Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 05:11
Chủ nhật, 24/12/2023 07:12
TMO - Những năm trở lại đây, người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đẩy mạnh ứng dụng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM). Phương pháp này giúp giảm chi phí sản xuất cũng như lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại tồn dư trên sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, trong năm 2023 các địa phương trong kế hoạch đã triển khai 8 mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật về “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa và 4 mô hình ứng dụng biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau theo đúng kế hoạch. Các mô hình ứng dụng IPM đã được triển khai giúp cho nông dân tham gia cùng nhau học tập các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp đã ứng dụng thực tế trên đồng ruộng một cách hiệu quả.
Đối với 8 mô hình sản xuất cây lúa với tổng diện tích 15,7 ha, tổng số nông dân tham gia thực hiện mô hình là 150 người, nông dân đã ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, quản lý nước theo quy trình “ngập khô xen kẽ”. Tất cả nông dân đã sử dụng giống lúa xác nhận để gieo sạ, gieo sạ mật độ hợp lý nên đã tiết kiệm được bình quân 35 kg lúa giống/ha, nông dân ứng dụng bón phân cân đối theo từng giai đoạn sinh trưởng giúp cây lúa khỏe và đã tiết kiệm được chi phí mua phân bón bình quân là 1.120.125,0 đồng/ha, việc điều chỉnh mực nước trong ruộng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa đã làm cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị đổ ngã và giảm được số lần tưới nước bình quân là 2,4 lần/vụ, nhờ ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nên mức độ gây hại của các loại sinh vật gây hại trên ruộng mô hình cũng thấp hơn so với những ruộng chưa ứng dụng trên cùng cánh đồng nên đã giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bình quân là 3 lần/vụ.
Việc ứng dụng thành công các biện pháp khoa học kỹ thuật trên cây lúa đã giúp cho người nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào nhưng năng suất vẫn tăng bình quân là 3,8 tạ/ha nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường và tăng chất lượng nông sản. Theo thống kê của các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với ruộng nông dân bình quân là 7.191.375,0 đồng.
Đối với 4 mô hình sản xuất cây rau với tổng diện tích 1,6 ha, tổng số nông dân tham gia thực hiện mô hình là 17 người, nông dân đã được hướng dẫn ứng dụng tổng hợp các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại trên các loại cây khổ qua, cây bí, cây hẹ. Do ứng dụng các biện pháp quản lý dịch hại linh hoạt và hiệu quả nên mức độ các loại sinh vật gây hại tại các ruộng rau mô hình thấp hơn so với ruộng rau của nông dân ngoài mô hình trên cùng cánh đồng đã giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật bình quân là 3,3 lần/vụ, tiết kiệm được bình quân là 1.730.000,0 đồng/ha, đồng thời ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong phòng trừ sâu hại. Theo thống kê của các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với ruộng nông dân ngoài mô hình bình quân 18.824.000,0 đồng/ha.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, việc ứng dụng mô hình trên tại các địa phương còn một số hạn chế. Đối với cây lúa, diện tích trồng trọt của mỗi hộ nông dân tham gia mô hình bình quân khoảng từ 500 m2 đến 1.500 m2 nên gặp khó khăn trong việc ứng dụng cơ giới như máy sạ hàng để giảm lượng giống sạ, một số hệ thống tưới tiêu chưa đảm bảo để ứng dụng quy trình quản lý nước “ngập khô xen kẽ” mà chỉ ứng dụng một phần là rút nước trong giai đoạn giữa vụ, nông dân chưa ứng dụng biện pháp sấy lúa trong vòng 24 giờ sau thu hoạch để chất lượng gạo nguyên tốt hơn mà chỉ phơi nắng vì sản lượng của mỗi hộ gia đình thấp khoảng từ 350 kg đến 1.200 kg lúa/vụ. Đối với cây rau, diện tích nhỏ, chưa có vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn, thiếu mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ bền vững, dẫn đến đầu ra còn gặp nhiều khó khăn, giá cả không ổn định nên nông dân chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa
Trước thực trạng trên, thời gian tới, UBND các huyện trên địa bàn tỉnh cần quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, thiết kế hệ thống tưới tiêu thuận lợi để ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất tiết kiệm chi phí nâng cao hiệu quả sản xuất. Tăng cường công tác tuyên truyền, động viên nông dân tham gia mô hình tuân thủ đúng quy trình đã hướng dẫn, đồng thời hướng dẫn, vận động những nông dân khác cùng tham gia để nhân rộng việc ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật có hiệu quả góp phần đưa nền sản xuất nông nghiệp của địa phương ngày càng an toàn và bền vững; bố trí nguồn kinh phí để nhân rộng các mô hình trên các cây trồng chủ lực là thế mạnh của địa phương.
Các địa phương cần quan tâm trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ công chức, viên chức phụ trách công việc thông qua việc cử công chức, viên chức tham gia các lớp tập huấn. UBND tỉnh tiếp tục cấp kinh phí để các địa phương kịp thời triển khai 7 mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật về “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 và 4 mô hình ứng dụng biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp trên cây rau năm 2024 theo đúng Kế hoạch 137/KH-UBND ngày 30/8/2022 của UBND tỉnh. Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn các quy trình tiến bộ kỹ thuật đã ứng dụng hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế để các địa phương áp dụng.
Thu Trang
Bình luận