Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ năm, 20/06/2024 15:06
TMO - Trong bối cảnh chăn nuôi vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, việc thúc đẩy chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) được xem là giải pháp tối ưu để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Do đó tỉnh Hà Nam đã nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng ATSH để góp phần giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh hiệu quả.
Những năm gần đây, tỉnh Hà Nam tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng tăng quy mô trang trại, giảm nuôi trong nông hộ nhỏ lẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của tỉnh Hà Nam cũng đối mặt với một số khó khăn, trong đó có tình trạng ô nhiễm môi trường và dịch bệnh hoành hành trên động vật. Để giải quyết vấn đề này, địa phương đã có nhiều giải pháp, trong đó khuyến khích người dân sử dụng chế phẩm sinh học nhằm bảo vệ môi trường và hạn chế dịch bệnh đã được người dân tích cực hưởng ứng.
Hiện nay tỉnh Hà Nam có gần 1.200 trang trại chăn nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, gồm 240 trang trại ứng dụng đồng bộ (con giống năng suất cao, chuồng kín, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng và xử lý môi trường...), khoảng hơn 950 trang trại áp dụng một phần quy trình công nghệ vào chăn nuôi. Trong đó, 4 trang trại chăn nuôi lợn được chứng nhận VietGAP, 12 trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh, 1 trang trại chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao.
Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để chăn nuôi phát triển bền vững, nhất là phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường cần phải đẩy mạnh áp dụng theo hướng ATSH. Những năm qua, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong chăn nuôi, trong đó có phương pháp chăn nuôi ATSH cho người dân.
Theo đó, chăn nuôi theo hướng ATSH được các trang trại trên địa bàn tỉnh Hà Nam đẩy mạnh áp dụng. Đơn cử như trang trại nằm ở xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam có quy mô 80 – 120 con lợn nái. Toàn bộ số lượng lợn giống được trang trại chuyển sang nuôi lợn thịt theo quy trình khép kín (từ nuôi lợn nái, sản xuất lợn giống, đến nuôi lợn thịt cung cấp ra thị trường).
Từ năm 2020, trang trại này đã tham gia Đề án “Phát triển đàn lợn nái áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo phục vụ tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 – 2022”, tỉnh Hà Nam cũng tập huấn về chăn nuôi ATSH cho nhiều trang trại khác. Qua đó, các chủ trang trại sẽ được trang bị đầy đủ kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi giúp kiểm soát tốt môi trường, dịch bệnh, tăng năng suất trong chăn nuôi lợn nái.
Đối với trang trại tại xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý, số lợn cai sữa/con nái/lứa đạt tối thiểu 11 – 12 con (tăng gấp 2 lần so với trước). Đối với nuôi lợn thịt, hạn chế việc tiêu tốn thức ăn, những bệnh thông thường của lợn được kiểm soát tốt, tăng trọng cao hơn trước từ 5 – 10%. Việc áp dụng phương pháp ATSH đã thay đổi hẳn cách làm, quy trình chăn nuôi trong trang trại của gia đình. Dịch bệnh được kiểm soát tốt, trang trại han chế các loại dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập, nhất là dịch tả lợn châu Phi.
Đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng ATSH giúp người dân hạn chế tối đa dịch bệnh gây hại cho vật nuôi. (Ảnh minh hoạ).
Hay tại trang trại trên địa bàn xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, với diện tích 1,2 ha, quy mô 40 lợn nái, 400 lợn thịt; đồng thời, nuôi khoảng 10.000 vịt thịt theo hướng công nghiệp, việc áp dụng chăn nuôi theo phương pháp ATSH, trang trại này đã cải tạo hệ thống chuồng trại, như làm mới hệ thống cấp nước uống cho lợn, cải tạo máng ăn cho lợn hợp vệ sinh, bổ sung hệ thống làm mát chuồng trại, làm nơi vệ sinh, khử trùng thiết bị chăn nuôi…Môi trường xung quanh các khu chuồng được chủ trang trại thường xuyên rải vôi bột khử trùng, ngăn ngừa dịch bệnh.
Theo nhận định từ các chủ trang trại, từ khi áp dụng phương pháp ATSH chăn nuôi trong trang trại đã hạn chế tối đa dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm. Chỉ riêng lợn thịt tăng trọng từ 3 – 5 kg/con/lứa so với trước đây. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay, chăn nuôi ATSH giúp người chăn nuôi yên tâm duy trì và phát triển đàn.
Trên thực tế từ những kết quả mang lại, mô hình chăn nuôi ATSH cho thấy đây là biện pháp hiệu quả và cần thiết nên được nhân rộng. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn không ít những hạn chế. Theo đó, mặc dù chăn nuôi đang phát triển theo hướng tập trung nhưng vẫn còn không ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư rất khó áp dụng các biện pháp ATSH.
Cùng với đó, đối với những mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát nguồn con giống, do phần lớn được mua ngoài thị trường tự do. Sản phẩm chăn nuôi (thịt, trứng…) hầu hết mới chỉ tiêu thụ được ở các chợ dân sinh nên giá cả bấp bênh, khiến người dân không “mặn mà” trong việc đầu tư chăn nuôi theo hướng ATSH…Bên cạnh đó, chưa có đội ngũ cán bộ chuyên môn hiểu sâu về kỹ thuật ATSH để hướng dẫn người dân…
Để ngành chăn nuôi tiếp tục mang lại hiệu quả, đặc biệt là hướng tới phát triển theo hướng ATSH, trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp như quy hoạch vùng chăn nuôi phù hợp; xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tạo điều kiện tích tụ đất đai để phát triển trang trại tập trung. Năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 8.744 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 1,9% so với năm 2023.
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Hà Nam tập trung khai thác lợi thế, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đức Toàn
Bình luận