Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ tư, 06/03/2024 08:03
TMO - Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ngãi đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, tạo liên kết trong sản xuất tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.
Tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai nhiều giải pháp phấn đấu mục tiêu trở thành địa phương có ngành công nghệ sinh học phát triển bứt phá trong khu vực các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, đồng thời xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GRDP của tỉnh. Theo đó, địa phương này sẽ tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đưa nền công nghệ sinh học tỉnh đạt trình độ tiên tiến trong khu vực các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Trở thành một trong những tỉnh phát triển về sản xuất và dịch vụ công nghệ sinh học thông minh, các nghiên cứu về công nghệ sinh học của tỉnh được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững; Có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học của tỉnh.
Tầm nhìn đến năm 2045 Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh có nền công nghệ sinh học phát triển trong nước, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học hoạt động hiệu quả, tăng trưởng nhanh. Công nghiệp sinh học đóng góp 10-15% vào GRDP của tỉnh.
Với mục tiêu trên, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học để phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng, mang tính bền vững như chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phát triển vắc-xin, các chế phẩm sinh học sử dụng trong nông nghiệp, thức ăn cho chăn nuôi thủy sản, phân bón sinh học…
Địa phương này đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp.
Cụ thể, thời gian qua nhiều hộ nông dân, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực ứng dụng công nghệ sinh học vào quá trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao năng suất, hướng tới phát triển nông nghiệp tuần hoàn, mang lại giá trị kinh tế cao trong nông nghiệp.
Tiêu biểu là hoạt động ứng dụng công nghệ sinh học trong chăm sóc nuôi nấm đông trùng hạ thảo tại địa bàn huyện Sơn Trịnh. Đây là loại nấm có giá thành cao, mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Được biết đây là loại nấm rất khó trồng nhân tạo, đòi hỏi nguồn dinh dưỡng, vật ký sinh và môi trường sống phù hợp mới phát triển. Khâu quan trọng nhất để nuôi đông trùng hạ thảo thành công là quá trình làm giống. Tại cơ sở sản xuất này đã ứng dụng công nghệ sinh học trong quá trình chăm sóc, áp dụng quy trình khép kín, mang lại sản phẩm đông trùng hạ thảo có kết quả tốt. Và đã được cấp chứng nhận sản phẩm. OCOP 3 sao.
Không chỉ áp dụng công nghệ sinh học trong trồng nấm, các hộ nông dân khác thuộc thành phố Quảng Ngãi cũng tích cực áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong quá trình trồng rau. Rau được trồng theo hướng hữu cơ hoàn toàn, không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, không dùng chất kích thích tăng trưởng và không gây ô nhiễm môi trường. Các loại rau quả trong vườn như cà chua, dưa leo, đậu bắp được trồng trong nhà lưới, chăm bón bằng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học và tưới nước bằng hệ thống tưới tiết kiệm tự động….
Tại tỉnh Quảng Ngãi còn ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường hướng tới nền nông nghiệp xanh sạch, qua dự án: “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch” của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Dự án đã hỗ trợ chuyển giao dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh cho đơn vị tiếp nhận. Đây là dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh công nghệ cao, có công suất 20.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về phân bón hữu cơ của người dân tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh giúp thúc đẩy phát triển sản xuất phân bón theo công nghệ mới, chất lượng cao với giá thành hợp lý phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường sinh thái tại tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên nói chung trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới và nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Hiện nay ngành công nghệ sinh học ở nước ta chưa thực sự phát triển mạnh mẽ. Việc Quảng Ngãi sớm quan tâm chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển bền vững nông nghiệp là hướng đi mang tính đột phá, trở thành địa phương kiểu mẫu cho các tỉnh thành khác. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng, sản xuất giống cây trồng hằng ngày, đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Công nghệ sinh học cũng chính là yếu tố then chốt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh an toàn.
Đức Thành
Bình luận