Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 19:01
Thứ bảy, 11/11/2023 06:11
TMO - Các chương trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học cấp quốc gia được triển khai giúp Việt Nam làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến trong phát triển kinh tế và chăm sóc sức khỏe.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Để đưa công nghệ sinh học trở thành ngành mũi nhọn theo định hướng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao xây dựng và đã được Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30-1-2023 về “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”. Nghị quyết 36-NQ/TW có vai trò đặc biệt quan trọng, đề ra mục tiêu tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước.
Công nghệ sinh học đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nước ta. Cụ thể, những lĩnh vực thuộc ngành công nghệ sinh học mà chúng ta có thể tập trung phát triển trong thời gian tới là: ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp như: chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phát triển vaccine, các chế phẩm sinh học sử dụng trong nông nghiệp, thức ăn cho chăn nuôi thủy sản, phân bón sinh học… Bên cạnh đó, công nghệ sinh học cũng cần áp dụng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt thông minh…Với ưu thế về phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp chế biến trong tương lai cũng cần được áp dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh với thị trường thế giới.
Đối với lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe như các loại thuốc sinh học, vaccine, thuốc từ dược liệu. Cùng với đó là áp dụng công nghệ sinh học trong các liệu pháp điều trị bệnh như: liệu pháp tế bào gốc, liệu pháp gen, y học tái tạo, y học cá thể… Các chế phẩm sinh học có thể được sử dụng để xử lý mùi hôi tại các chuồng trại, ô nhiễm sông, hồ, nước thải. Việc áp dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường còn giúp phân hủy các độc chất vô cơ và hữu cơ, xử lý chất thải công nghiệp; xử lý các sự cố tràn dầu hay ô nhiễm dầu…
Đối với dược phẩm, phát triển được nhiều sản phẩm chất lượng cao từ dược liệu và bài thuốc Việt Nam thành thành phẩm ra thị trường. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhờ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học, đã có nhiều giống cây trồng, vật nuôi có tính trạng tốt, năng suất cao được lai tạo thành công. Các chế phẩm sinh học phát triển phục vụ trong chăn nuôi và trồng trọt mang lại hiệu quả năng suất cao. Riêng năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp năm đạt 53.22 tỷ USD.
Công nghệ sinh học góp phần thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế-xã hội.
Ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025 triển khai nghiên cứu, phát triển các công nghệ sinh học thế hệ mới; tiếp cận và làm chủ công nghệ tạo các chế phẩm sinh học (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học, chế phẩm bảo quản, xử lý môi trường, vaccine thế hệ mới, kít thử...) trong trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tiến tới thay thế dần các sản phẩm nguồn gốc hóa học. Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ tế bào thực vật trong nhân giống cây trồng sạch bệnh quy mô công nghiệp, giảm giá thành sản xuất cây giống tối thiểu 30% so với công nghệ truyền thống.
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2030 có nội dung liên quan đến công nghệ sinh học, trong đó, trọng tâm là 3 chương trình quốc gia: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến trong y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe; Mã số: KC.10/2021-2030”; “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến phục vụ công nghiệp hóa dược và dược phẩm; Mã số: KC.11/2021-2030” và “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học; Mã số: KC.12/2021-2030”.
Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế nêu nhiều thành tựu lĩnh vực y tế trong đó đã phát triển Y học cá thể hóa (Personalised medicine); Ứng dụng công nghệ sinh học trong chẩn đoán sớm và điều trị chính xác; Công nghệ tế bào (Cellomics...); Công nghệ Omic; Ngân hàng sinh học (Biobanking); Công nghệ Bioinformatic Y học tái tạo và kỹ thuật tạo mô; Công nghệ giải mã gene... Việt Nam đã làm chủ một số công nghệ tiên tiến, phát triển và ứng dụng trong phát hiện, giảm thiểu các nguy cơ phát sinh bệnh mới nổi, tái nổi và chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh mạn tính không lây.
Nghị quyết 36-NQ/TW xác định mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, là trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Mục tiêu đến năm 2030, nền công nghệ sinh học đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là 1 trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp 10 - 15% vào GDP.
Nguyễn Thu
Bình luận