Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ ba, 01/10/2024 08:10
TMO - Hệ thống thông tin địa lý hiện nay được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, việc tăng cường nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới trong lĩnh vực thông tin địa lý mở ra nhiều cơ hội triển vọng liên quan đến ngành tài nguyên môi trường.
Chia sẻ về hiện trạng xây dựng và định hướng phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, Đại diện Phòng Công nghệ đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý (Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam) cho biết, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý (SDI) phát triển ở một quốc gia dưới dạng hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI). Đây là công cụ trợ giúp trực tiếp vào xây dựng chính phủ điện tử và cải cách hành chính, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc sản xuất, khai thác dữ liệu không gian địa lý trên cơ sở một hạ tầng chung tạo nên một môi trường hợp tác và chia sẻ thông tin, cung cấp nền tảng kỹ thuật nhằm đảm bảo sự thống nhất trong mỗi quốc gia, đáp ứng nhu cầu người dùng trong bối cảnh phát triển bền vững. Đặc biệt, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý (SDI) được đánh giá như một sự phát triển tất yếu của các cuộc cách mạng 4.0 với hiệu quả và lợi ích đáng ghi nhận tại các nước phát triển.
Về định hướng phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, Đại diện Phòng Công nghệ đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý thông tin thêm, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã và đang tập trung vào việc xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa Trung ương với địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực.
Theo đó, thực hiện Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 09/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia”, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã tổ chức xây dựng CSDL nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:25.000, 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000 và 1:1.000.000 để phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Cùng với đó, hiện nay, tại một số địa phương cũng đang tích cực triển khai xây dựng, cập nhật CSDL nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000.
Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển SDI tại Việt Nam, Đại diện Phòng Công nghệ đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) sẽ tạo ra nhiều giải pháp sáng tạo cho xây dựng và vận hành SDI. Cùng với đó, việc tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ giúp quá trình triển khai SDI hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần tập trung đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn. Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển SDI tại Việt Nam.
Ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) sẽ tạo ra nhiều giải pháp sáng tạo cho xây dựng và vận hành SDI. (Ảnh minh hoạ).
Bên cạnh các giải pháp về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong việc xây dựng và vận hành SDI, Lãnh đạo Trung tâm Thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ (Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam) cho rằng, việc chia sẻ, tích hợp dữ liệu không gian địa lý quốc gia dùng chung phục vụ cho nhu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh là rất quan trọng.
Hiện nay, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã hoàn thiện việc xây dựng, vận hành thử nghiệm Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam để hỗ trợ việc quản lý, lưu trữ, chia sẻ và khai thác dữ liệu, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và các nhu cầu của xã hội.
Bên cạnh đó, cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam được triển khai và vận hành nhằm đảm bảo việc truy cập dễ dàng, thuận tiện của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, dữ liệu không gian địa lý quốc gia được kết nối và có sẵn để sử dụng. Đây là một phương tiện điện tử cho phép truy cập dữ liệu không gian địa lý quốc gia và cung cấp thông tin, dịch vụ liên quan. Các dịch vụ được thực hiện thông qua Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam bao gồm việc chia sẻ, chuyển đổi, phân tích, tích hợp, tra cứu và tải dữ liệu về địa lý quốc gia.
Để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thông tin địa lý, Việt Nam đã xây dựng một khung pháp lý và chính sách quan trọng để thúc đẩy SDI, như Luật Đo đạc và bản đồ, Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ và Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đang được đầu tư và nâng cấp. Các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức liên quan đã và đang triển khai nhiều dự án để xây dựng các cơ sở dữ liệu không gian địa lý, hệ thống thông tin địa lý (GIS), và các dịch vụ liên quan.
Việc ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ lõi như phân tích dữ liệu lớn trong thu nhận, cập nhật, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia chính là định hướng quan trọng, để cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử. Từ đó hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế, xã hội số, và xây dựng đô thị thông minh, hiện đại.
Trường Sơn
Bình luận