Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ ba, 25/04/2023 12:04
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na (tỉnh Kon Tum) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, điều này góp phần phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na tỉnh Kon Tum còn duy trì và thực hành trong các thôn làng tại các huyện: Sa Thầy, Kon Rẫy, Đắk Hà và thành phố Kon Tum. Đặc biệt nghề dệt thủ công truyền thống phát triển mạnh, tạo thành những tổ hợp dệt để phát triển kinh tế gia đình. Những sản phẩm của nghề dệt truyền thống không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt của dân làng mà còn đem đến lợi ích kinh tế khi là sản phẩm hàng hóa được định hướng gắn với việc phát triển du lịch của địa phương.
Nghề dệt thủ công truyền thống đã tạo ra những sản phẩm phục vụ trực tiếp cho cuộc sống hàng ngày như trang phục mặc ngày thường, khi đi nương, rẫy, săn bắn, che chắn bảo vệ cơ thể khi thời tiết thay đổi. Mỗi bộ trang phục đều mang những ý nghĩa riêng, tạo ra sự phân cấp địa vị xã hội trong cộng đồng, là một chuẩn mực quan trọng để đánh giá vẻ đẹp và giá trị của người phụ nữ.
Nghề dệt thủ công truyền thống trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Ba Na tại Kon Tum. Ảnh: CA.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh có hơn 123 kiểu dáng hoa văn khác nhau trong các sản phẩm truyền thống của người Ba Na. Thậm chí, mỗi vùng trong tỉnh còn có những hoa văn riêng biệt. Chính sự đa dạng, khác biệt trong đời sống thường ngày nên những sản phẩm dệt thổ cẩm cũng có những lối diễn đạt, cách làm độc đáo và rất hấp dẫn, bắt mắt. Sản phẩm thổ cẩm được thêu dệt bởi các gam màu chủ đạo như đỏ, vàng, đen phối cùng nhiều màu sắc khác nhau thể hiện mong ước của con người được hòa quyện với thần linh, đất trời
Thời gian tới, tỉnh Kon Tum khuyến khích người dân trồng bông, sử dụng nguồn nguyên liệu truyền thống; có chính sách hỗ trợ để cải tiến khung dệt, giúp người sản xuất tiếp cận kỹ thuật mới để nâng cao năng xuất và chất lượng của sản phẩm dệt, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Triển khai các chương trình, dự án nhằm bảo tồn nghề dệt; khuyến khích các nghệ nhân trong việc truyền dạy lại kỹ thuật nghề cho thế hệ trẻ; xây dựng cơ chế, chính sách và tôn vinh, khen thưởng các nghệ nhân, nhất là các nghệ nhân cao tuổi có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, truyền dạy nghề dệt.
Đến nay tỉnh Kon Tum đã có tổng cộng 1 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là: “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và 3 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là “Sử Thi Ba Na; Lễ hội “Ét đông” của nhóm Giơ Lâng (Ba Na) và nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na”.
Bích Hà
Bình luận