Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 18/07/2025 14:07
Thứ sáu, 18/07/2025 08:07
TMO - Tại tỉnh An Giang, có một làng nghề truyền thống với hơn trăm năm tuổi vẫn bền bỉ dệt nên những tấm lụa đen óng ánh đó là làng lụa Lãnh Mỹ A. Loại vải lụa đặc biệt này không chỉ là niềm tự hào của người dân, mà còn là biểu tượng của sự công phu, tinh tế và gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa. Hiện nay, lụa Lãnh Mỹ A đang dần “hồi sinh”, ghi dấu trong lòng du khách bởi vẻ đẹp độc đáo và giá trị truyền thống quý báu.
Lụa Lãnh Mỹ A có nguồn gốc từ làng Tân Châu (TP. Tân Châu, tỉnh An Giang) – nơi từng được ví là "thủ phủ lụa" của miền Nam. Khác với các loại lụa thường thấy ở miền Bắc hoặc miền Trung, Lãnh Mỹ A gây ấn tượng nhờ sắc đen tuyền huyền bí, bề mặt bóng láng, mịn như nhung nhưng vẫn nhẹ, thoáng, mát.
Những đôi bàn tay tỉ mỉ, chăm chút cho từng sợi lụa.
Điểm đặc biệt nhất nằm ở quy trình nhuộm lụa bằng trái mặc nưa 1 loại quả dại chỉ mọc nhiều ở vùng Bảy Núi. Trái mặc nưa được giã nhuyễn, lọc lấy nước, sau đó dùng để ngâm đi ngâm lại sợi lụa hàng chục lần, kéo dài suốt nhiều tuần lễ. Mỗi lần nhuộm là một lần chà tay, phơi nắng, giúp từng thớ vải thấm đều màu, không hóa chất, hoàn toàn thủ công. Chính sự kỳ công ấy tạo nên sắc đen rất riêng – vừa có chiều sâu, vừa lấp lánh dưới ánh sáng, không bạc màu theo thời gian.
Để dệt được một tấm lụa Lãnh Mỹ A hoàn chỉnh, người thợ phải qua nhiều công đoạn: từ chọn kén tằm, rút tơ, hồ sợi, mắc khung, dệt lụa, đến nhuộm mặc nưa. Tất cả đều làm bằng tay, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì. Mỗi mét vuông vải có thể mất từ 2–3 ngày để hoàn thành, chưa kể thời gian nhuộm kéo dài hàng tuần. Chính sự cầu kỳ ấy khiến Lãnh Mỹ A từng được xem là loại lụa chỉ dành cho tầng lớp quý tộc xưa.
Công đoạn nhuộm sợi vải được người dân làm cẩn thận.
Không chỉ là vải vóc, từng sợi tơ là sự chắt lọc của thiên nhiên, tất cả kết hợp tạo nên loại lụa mang hồn cốt đất Nam Bộ. Từng có thời kỳ, lụa Lãnh Mỹ A tưởng chừng thất truyền khi nhu cầu tiêu dùng thay đổi, máy móc công nghiệp lên ngôi. Nhiều hộ dệt ở Tân Châu bỏ nghề, khung cửi phủ bụi.
Tuy nhiên, khoảng hai thập niên gần đây, một số nghệ nhân, doanh nghiệp đã quyết tâm phục dựng và phát triển lại dòng lụa này, tạo nên một làn sóng quan tâm mới từ trong nước đến quốc tế. Lãnh Mỹ A được trình diễn tại các tuần lễ thời trang lớn, xuất hiện trong bộ sưu tập của nhiều nhà thiết kế tên tuổi.
Những tấm lụa Lãnh Mỹ A qua nhiều lần nhuộm được phơi nắng hong khô.
Không chỉ là sản phẩm thương mại, lụa Lãnh Mỹ A còn được đưa vào các tour du lịch trải nghiệm. Du khách có thể tận mắt chứng kiến quy trình dệt, nhuộm, thử chà lụa bằng mặc nưa, tự tay nhuộm vải để hiểu thêm về nghề truyền thống. Đây là điểm nhấn quan trọng trong việc gắn kết văn hóa bản địa với phát triển kinh tế du lịch nông thôn.
Lụa Lãnh Mỹ A không chỉ là sản phẩm may mặc mà còn là biểu tượng văn hóa gắn liền với đời sống người miền Tây xưa. Trong ký ức của nhiều thế hệ, chiếc áo bằng lụa Lãnh Mỹ A là hình ảnh người phụ nữ dịu dàng, kín đáo mà duyên dáng. Người ta chọn lụa Lãnh mặc ngày tết, ngày cưới, hay khi có dịp đặc biệt, như một cách thể hiện sự tôn kính và trang trọng.
Màu đen quý phái của lụa Lãnh Mỹ A trở thành một biểu tượng văn hoá lâu đời.
Ngày nay, với xu hướng tìm về giá trị truyền thống, lụa Lãnh Mỹ A không chỉ là biểu tượng văn hóa mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Các sản phẩm từ lụa được thiết kế hiện đại hơn, phục vụ nhu cầu thời trang nhưng vẫn giữ được cái hồn xưa giản dị mà sâu sắc. Lụa Lãnh Mỹ A là một minh chứng sống động cho sự bền bỉ của nghề thủ công truyền thống Việt Nam. Giữa dòng chảy phát triển không ngừng, việc bảo tồn và phát huy lụa Lãnh Mỹ A không chỉ là giữ lấy một sản phẩm độc đáo, mà còn là giữ hồn cốt miền Tây trong từng sợi tơ.
Hồng Trang
Bình luận