Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ ba, 20/06/2023 07:06
TMO - Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhưng cũng là một trong các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Trước tác động này, tỉnh Long An đã và đang chủ động triển khai thực hiện nhiều mô hình, giải pháp ứng phó, nhất là tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hoàn thiện hạ tầng thủy lợi...
Những năm gần đây, Long An chịu ảnh hưởng nặng nề trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) như: mưa, lũ, ngập úng kéo dài và tình trạng sạt lở, sụt lún đất, xâm nhập mặn… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân địa phương. Trước thực trạng này, tỉnh Long An đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp ứng phó, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.
Tỉnh Long An đã tập trung quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, tỉnh Long An còn chủ động ứng phó, giảm thiểu rủi ro, thích ứng với BĐKH, hạn hán, xâm nhập mặn, phòng chống thiên tai.
Nhiều địa phương tại tỉnh chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn.
Theo ngành Nông nghiệp Long An, để sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH, giải pháp trọng tâm nhất hiện nay là quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng giảm diện tích trồng lúa, hạn chế tối đa sản xuất lúa 3 vụ, tăng nhanh các ngành hàng có lợi thế so sánh và tính cạnh tranh cao. Cạnh đó, xây dựng hệ thống cánh đồng lớn để từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường và ứng phó với BĐKH.
Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Long An, nền nhiệt độ các tháng trong năm 2023 dự báo có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm; nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình, số ngày nắng nóng trong năm 2023 xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022. Trước những tác động của biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Ðặc biệt, việc nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác (chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn), chế độ canh tác (ngập lụt, hạn) phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác nông nghiệp thông minh.
Ngành cũng tập trung triển khai, nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác hiện đại, hiệu quả cao như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng”, kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM),... nông dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười đã chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác.
Từ nhiều năm nay, được sự quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ của các ngành chức năng, người dân vùng này đã chuyển đổi hơn 18.000ha đất sang trồng sầu riêng, mít, bưởi da xanh, chanh không hạt,... thu về lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Trong khi đó, nhiều người dân tại các huyện biên giới của tỉnh Long An cũng đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cây trồng. Đây được xem là hướng đi mới trong chính sách chuyển đổi giống cây trồng gắn với phát triển nông nghiệp chất lượng cao tại địa phương.
Xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi bền vững, trong năm qua, toàn tỉnh Long An đã có gần 1.600ha đất được chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm, phần lớn là mít, chanh, sầu riêng, dừa, mai. Trong năm 2023, tỉnh dự kiến chuyển đổi hơn 10.300ha đất lúa sang cây trồng hàng năm, cây trồng lâu năm và trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản. Cụ thể, diện tích chuyển sang trồng cây hàng năm là gần 7.900ha, hơn 2.300ha chuyển sang cây lâu năm và trên 60ha chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất lúa.
Hoàn thiện hệ thống đê bao nội đồng nhằm đảm bảo cho hoạt động sản xuất nông nghiệp trước tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng.
Bên cạnh đó tỉnh còn triển khai đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa, hệ thống kênh tiếp nước nối mạng, các công trình cấp nước sinh hoạt nhằm đảm bảo chủ động điều tiết nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân, nhất là vùng khô hạn và phục vụ phòng chống hạn, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, thời gian qua, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ, tỉnh đầu tư xây dựng mới, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, tỉnh đầu tư xây dựng hàng chục công trình (xây dựng, sửa chữa đê, cống, nạo vét kênh,...) phục vụ tưới, tiêu, phòng, chống hạn, mặn với nguồn vốn hàng trăm tỉ đồng.
Hiện toàn tỉnh có 5.452 công trình thủy lợi, trong đó cấp tỉnh quản lý 393 công trình, huyện quản lý 5.059 công trình. Tại hầu hết những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ, kiên cố, bảo đảm tưới, tiêu cho sản xuất. Hiện tỉnh quản lý 32 tuyến đê bao, tổng chiều dài hơn 280km, bảo đảm chống lũ, triều cường, ngăn mặn triệt để, bảo vệ an toàn cho hơn 150.000ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 416.000 người dân các huyện phía Nam. Huyện quản lý 1.225 tuyến đê bao (đê bao chống lũ triệt để, thời vụ), chiều dài gần 6.000km, bảo vệ hơn 238.000ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 115.000 người dân.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 240 trạm bơm điện phục vụ tưới, tiêu cho gần 50.000ha đất sản xuất. Việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách bền vững, tạo điều kiện tái cơ cấu phát triển sản xuất, đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, lũ đột biến, triều cường, xâm nhập mặn.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm hàng đầu hiện nay là đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Cụ thể, ngành tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyên canh tập trung, nâng cao giá trị gia tăng gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH.
Bùi Tùng
Bình luận