Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ ba, 27/02/2024 15:02
TMO - Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách phát triển kết cấu hạ tầng trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh trên các tuyến cao tốc, quốc lộ chính yếu, mạng lưới đường bộ toàn quốc và trên các tuyến đường bộ kết nối các cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không.
Thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, nhằm hướng tới phát thải ròng về “0” vào năm 2050 bằng nguồn lực của quốc gia, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris; Bộ Giao thông vận tải ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan. Chương trình này bao gồm 2 giai đoạn, hiện đang ở giai đoạn 1 (2022 - 2030), tập trung thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và sử dụng các loại phương tiện giao thông sử dụng điện.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và kế hoạch này tổ chức triển khai, thực hiện, giám sát, đánh giá và định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giao thông vận tải. Đồng thời, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực để kêu gọi tài trợ quốc tế đối với các chương trình, nhiệm vụ, dự án do cơ quan, đơn vị mình được giao chủ trì thực hiện tại các phụ lục kèm theo làm cơ sở huy động nguồn lực để triển khai, thực hiện.
Dự báo, Việt Nam sẽ đạt lượng phát thải khoảng 64,3 triệu tấn CO2 vào năm 2025, 88,1 triệu tấn CO2 vào năm 2030.
Trong đó, Bộ Giao thông vận tải giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách phát triển kết cấu hạ tầng trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh trên các tuyến cao tốc, quốc lộ chính yếu, mạng lưới đường bộ toàn quốc và trên các tuyến đường bộ kết nối các cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không. Vụ Kế hoạch - Đầu tư là đầu mối tham mưu xây dựng, kiến nghị các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh trong giao thông vận tải.
Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời là đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ Giao thông vận tải, các doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Là đầu mối theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch này; tổng hợp kết quả triển khai thực hiện theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải.
Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường vận động tài trợ quốc tế hỗ trợ thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Tham mưu việc tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế; các khóa tập huấn, đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài có chủ đề liên quan đến chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu trong giao thông vận tải…
Ngành giao thông vận tải Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan.
Năm 2023, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới có bộ tiêu chí và chương trình về giảm phát thải ròng. Có thể thấy thời gian qua Việt Nam không chỉ đang làm tốt việc này ở trong nước, còn có bước tiến quan trọng là trở thành quốc gia đầu tiên xuất khẩu dịch vụ di chuyển xanh ra nước ngoài, qua việc Công ty Cổ phần Di chuyển xanh và Thông minh GSM của Vingroup khai trương dịch vụ taxi điện tại Lào. Tuy nhiên, xét về mặt chủng loại, các kết quả bước đầu cho thấy, chúng ta chỉ mới khuyến khích sử dụng ô tô điện, chưa chú trọng nhiều cho xe máy điện. Bởi không giống các nước phát triển phương tiện di chuyển chủ yếu của họ là ô tô, còn Việt Nam xe gắn máy 2 bánh chiếm tỷ lệ áp đảo lưu thông trên đường (60 triệu xe so với khoảng 4,5 triệu ô tô).
Báo cáo đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022 cho thấy, có 3 nhóm, 10 giải pháp giảm phát thải khí nhà kính liên quan đến giao thông vận tải. Thứ nhất là sử dụng năng lượng hiệu quả, cần giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; tăng hệ số tải của ô tô tải. Thứ hai là chuyển đổi phương thức vận tải, ưu tiên chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, từ đường bộ sang đường sắt, từ đường bộ sang đường thủy nội địa và đường ven biển. Thứ ba là chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh; theo đó, ưu tiên sử dụng xe buýt dùng khí thiên nhiên nén (CNG), khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, ô tô điện, xe máy điện và xe buýt điện. NDC đặt mục tiêu đến 2030, tỷ lệ sử dụng ô tô điện đạt khoảng 30% trên toàn quốc.
Hạ Quyên
Bình luận