Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Thứ ba, 05/03/2024 07:03
TMO - Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung vẫn đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên. Thực trạng đó buộc các quốc gia phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên...
Trước những tác động lớn của biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh việc tăng cường các giải pháp ngăn ngừa, xử lý hiệu quả ô nhiễm để duy trì cân bằng hệ sinh thái; đảm bảo chức năng của hệ sinh thái phục vụ sự sống là việc làm rất cần thiết nhằm phát triển bền vững đất nước và triển khai cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Thông tin tại Hội thảo lần thứ 4 về “Ô nhiễm môi trường, biện pháp phục hồi và quản lý môi trường - ICEPORM 2024” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 4/3, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: Sau 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam đã không ngừng được nâng cao.
Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng tạo áp lực lớn đối với môi trường sinh thái; tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường một số nơi suy giảm mạnh; hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng tại một số vùng đã tác động đến đời sống sinh kế của người dân, an ninh sinh thái bị đe dọa. Những vấn đề này đã và đang cản trở việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Việc tăng cường các giải pháp ngăn ngừa, xử lý hiệu quả ô nhiễm để duy trì cân bằng hệ sinh thái là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung hiện vẫn đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên. Liên Hợp Quốc cũng đã cảnh báo các hệ sinh thái trên Trái Đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có. Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm hướng tới phát triển bền vững là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Đây cũng là vấn đề luôn được đặt ở vị trí trọng tâm trong các chương trình nghị sự; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để cùng nhau tìm ra lời giải pháp hiệu quả, phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm; bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững đất nước và triển khai cam kết của Việt Nam “giảm phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050”.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, con người đang phải đối mặt với nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường. Vấn đề này càng trở nên đáng quan tâm hơn đối với các nước có nền kinh tế đang phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Chúng ta đang sống hoàn toàn dựa vào nguồn tài nguyên khoáng sản của hệ sinh thái tự nhiên. Do đó, bảo vệ môi trường để duy trì cân bằng hệ sinh thái, đảm bảo chức năng của hệ sinh thái phục vụ sự sống là việc làm rất cần thiết. Để giải quyết được vấn đề môi trường một cách trọn vẹn. Trong đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và các cơ sở sản xuất tư nhân, nhà máy công nghiệp để tìm ra giải pháp chung, phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững.
Thời gian qua, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã hợp tác chiến lược với Bộ Tài nguyên và Môi trường để cải thiện an ninh môi trường và hỗ trợ hành động tập thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chỉ tính từ 2021 đến nay, USAID đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh, thành phố, các nhà nghiên cứu địa phương hơn 30 triệu USD để giải quyết ô nhiễm môi trường. Để duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường, USAID sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam và các bên liên quan ở địa phương trong thời gian tới.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc triển khai thực hiện giám sát, kiểm soát các nguồn thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khu vực tập trung nhiều nguồn thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông... ở các địa phương đã có những chuyển biến tích cực.
Việc triển khai thực hiện giám sát, kiểm soát các nguồn thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khu vực tập trung nhiều nguồn thải được đẩy mạnh triển khai. Ảnh: Q.N
Các cơ quan chức năng tập trung giám sát các cơ sở, khu vực có hoạt động sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; hướng dẫn, đôn đốc để yêu cầu chủ đầu tư các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước tập trung, bảo đảm tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 92%. Các đơn vị quản lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý; tiếp tục triển khai, phối hợp các địa phương xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; đôn đốc các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể, bảo đảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu đô thị đạt 95%; 40% rác thải sinh hoạt được xử lý theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng các quy hoạch quản lý chất thải rắn cấp vùng và quy hoạch tại các địa phương, làm căn cứ để xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Nhiều địa phương đã lồng ghép nội dung quy hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt vào quy hoạch chung của các tỉnh, thành phố. Bộ cũng xây dựng “Hệ thống tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia”, khắc phục tình trạng dữ liệu quan trắc môi trường đang “phân mảnh”, riêng rẽ hiện nay và tối ưu được nhiều hoạt động.
Toàn bộ dữ liệu quan trắc môi trường sau khi được tiếp nhận từ các bộ, ngành và địa phương cùng với dữ liệu từ chương trình quan trắc môi trường quốc gia được xử lý, kiểm duyệt và phân tích, tổng hợp trên các nền tảng công nghệ các siêu máy tính, xử lý dữ liệu lớn với tốc độ cao, máy học, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tích hợp, từ đó công bố thông tin môi trường và dự báo, cảnh báo môi trường...
Hiện cả nước đã lắp đặt gần 2.000 trạm quan trắc tự động, trong đó có hơn 1.600 trạm đang truyền số liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường; số còn lại đang trong giai đoạn lắp đặt, vận hành thử nghiệm (tăng gấp gần hai lần so với cùng thời điểm năm 2020). Đây là hệ thống cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng cho công tác quản lý môi trường.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm ở nước ta thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các địa phương… kiểm soát chặt chẽ về môi trường và hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm tỷ lệ 92% số khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Lê Hân
Bình luận