Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 20:01
Thứ sáu, 22/04/2022 06:04
TMO - Để nâng cao giá trị sản xuất, khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP trên thị trường, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã khuyến khích các đơn vị sản xuất chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến và kinh doanh.
Quảng Ninh hiện có hơn 500 sản phẩm OCOP, trong đó có 267 sản phẩm được xếp hạng từ 3-5 sao. Toàn tỉnh có 31 điểm, cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Những năm qua, nhờ ứng dụng công nghệ vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ, nhiều nông sản chủ lực của tỉnh được mở rộng quy mô, nâng cao năng suất và chất lượng.
Được định hướng là một trong 6 sản phẩm OCOP cấp quốc gia, thương hiệu Chè Hải Hà hiện đang được chính quyền và các hộ sản xuất kinh doanh của Hải Hà quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng bền vững. Thời gian gần đây, chính quyền và các hộ sản xuất chè huyện Hải Hà đầu tư nguồn lực nâng cao chất lượng sản phẩm.
Các cơ sở sản xuất chè Hải Hà đạt chứng nhận OCOP chú trọng đầu tư hệ thống sao chè bằng khí gas hiện đại, nâng cao chất lượng
Nhiều công nghệ mới trong các khâu thu hái, sao, sấy, chế biến, đóng gói chè... được các cơ sở áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến theo hướng chuyên nghiệp, bền vững. Hiện tại, các cơ sở sản xuất sản phẩm này trên địa bàn tỉnh đầu tư hệ thống sao chè bằng công nghệ khí gas, đổi mới dây chuyền, đóng gói sản phẩm hiện đại... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ thị trường.
Gà Tiên Yên là sản phẩm OCOP nổi tiếng của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh). Nếu như trước đây, người dân mới chỉ chăn nuôi gà nhỏ lẻ, thì nay nhờ thực hiện hiệu quả các dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu tạo giống, xây dựng thương hiệu, Tiên Yên đã trở thành một trong những vùng chăn nuôi gà tập trung, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Huyện Ba Chẽ hiện có 10 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao (trà hoa vàng khô) cùng 4 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm có sức tiêu thụ, cạnh tranh còn kém. Số sản phẩm có tiếng, tiêu thụ tốt như trà hoa vàng khô là không nhiều.
Nhiều diện tích nông sản trên địa bàn tỉnh được ứng dụng khoa học công nghệ giúp sản phẩm đáp ứng nhu cầu cao từ thị trường
Vì vậy, huyện đang tập trung các nguồn lực hoàn chỉnh Dự án nâng cấp sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ theo hướng liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm một cách bài bản quy mô. Thời gian qua, doanh nghiệp cũng đã tập trung nâng năng lực sản xuất qua đầu tư công nghệ, trang sắm thêm máy sấy công nghệ cao và thiết bị phụ trợ để đạt tổng công suất 10 tấn hoa tươi/vụ 3 tháng thu hoạch, xây kho bảo quản 100m3 bảo quản được 1,5 tấn hoa khô ở nhiệt độ 4-8 độ C.
Thông tin từ Trung tâm Ứng dụng và Thống kê khoa học và công nghệ tỉnh cho biết, việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... là nội dung quan trọng, giúp xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, là yếu tố tiên quyết thúc đẩy thương mại, thị trường, khuyến khích doanh nghiệp OCOP phát triển.
Để nâng tầm, nâng chất lượng các sản phẩm trên thị trường, hiện các doanh nghiệp OCOP đang tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo đảm tốt các quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh cải tiến mẫu mã bao bì, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, từ đó phát triển thương hiệu, đưa các sản phẩm OCOP Quảng Ninh vươn xa tới các thị trường trong và ngoài nước.
Mạnh Hùng
Bình luận