Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 16:10
Thứ tư, 21/08/2024 08:08
TMO - Thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nhiều nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tại khu vực này.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, tính đến tháng 4/2024, trên địa bàn tỉnh có 274 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Tính đến nay, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nước hợp vệ sinh đã đạt 99,96%. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 2018/BYT là 86,37%; tỷ lệ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch theo QCVN 2018/BYT đạt 67,17%.
Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2024, tỷ lệ người dân đô thị được sử dụng nước sạch đạt 69%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99,6%, huyện Hải Hà đang tập trung đầu tư hệ thống đường ống cấp nước sạch trên địa bàn các xã, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân đấu nối, sử dụng nước sạch.
Theo báo cáo của UBND huyện Hải Hà, hiện nay trên địa bàn huyện có 18 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Qua rà soát, hiện nay, trong tổng số hơn 14.199 hộ dân tại 10 xã trên địa bàn huyện thì mới có 8.179 hộ dân sử dụng nước sinh hoạt từ các công trình cấp nước tập trung được đầu tư xây dựng, đạt tỷ lệ 57,6% và 2.109 hộ sử dụng nguồn nước từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ, chiếm tỷ lệ 14,85%. Đối với một số xã miền núi, do hạ tầng cung cấp nước chưa được đầu tư đồng bộ, một bộ phận lớn các hộ dân vẫn tự kéo nước sinh hoạt từ các khe suối về sử dụng, chưa phát huy được hiệu quả của các công trình cấp nước tập trung, cấp nước nhỏ lẻ trên địa bàn.
Để khắc phục tình trạng này, cùng với công tác tuyên truyền, vận động người dân đấu nối, sử dụng nước sạch, nước sinh hoạt từ các công trình cấp nước tập trung, huyện Hải Hà đang tập trung đầu tư hạ tầng đường ống cung cấp nước cho người dân trên địa bàn các xã nhằm hoàn thiện hạ tầng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, đảm bảo tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.
Các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng công trình cấp nước sạch trên địa bàn từ đó triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cấp nước.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Móng Cái nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99%; tỷ lệ hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch đạt 100%. Để đạt mục tiêu này, Móng Cái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán sinh hoạt, thói quen sử dụng nước sạch thay cho nước giếng khoan, giếng đào.
Bên cạnh đó, huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng cấp nước sạch đô thị, nông thôn; nâng cấp, mở rộng mạng lưới và cải thiện chất lượng nước, xây dựng, khai thác hiệu quả các nhà máy và trạm cấp nước, đầu tư hạ tầng cấp nước tổng thể, hiện đại tại các khu đô thị, khu tái định cư, khu công nghiệp… Tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt 100%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 86,29%, tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch đạt 60%, tăng 20,1% so với thời điểm đầu năm 2024. Từ nay đến cuối năm, thành phố phấn đấu tỷ lệ sử dụng nước sạch tại các phường đạt trên 95% và tỷ lệ các xã hộ dân được sử dụng nước sạch qua trạm cấp nước tập trung phấn đấu đạt trên 90%. Đến năm 2025, tỷ lệ nước sạch đô thị đạt 100% và nước sạch nông thôn đạt 99%.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh, việc vận hành các công trình cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, tại các công trình cấp nước có quy mô lớn, lao động làm việc tại các trạm cấp nước cơ bản là lao động phổ thông, trong khi việc quản lý, khai thác đòi hỏi yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ cao. Đồng thời, mức giá bán nước khu vực nông thôn còn thấp, chi phí quản lý vận hành lớn nên nguồn kinh phí để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, cải tạo nâng cấp còn hạn chế.
Còn đối với các công trình cấp nước quy mô nhỏ, hầu hết các công trình này không thu phí sử dụng nước nên việc duy tu, bảo dưỡng công trình còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ đấu nối sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung tại một số địa phương còn thấp, do nhiều địa phương người dân còn quen dùng nước sông, nước giếng khoan...
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, tiêu chuẩn cấp nước tối thiểu 60 lít/người/ngày đêm, tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở Xây dựng xây dựng Đề án “Cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025”, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Đề án đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các hệ thống công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 tất cả các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có hệ thống cấp nước tập trung đảm bảo về lưu lượng, chất lượng để phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, giai đoạn 2024-2025 tỉnh Quảng Ninh đầu tư xây dựng mới 12 công trình cấp nước nông thôn cấp nước cho 8.530 hộ dân, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 121,67 tỷ đồng. Trong đó, năm 2024 đầu tư xây mới 04 công trình cấp nước cho 2.243 hộ dân tại hai địa phương là thành phố Hạ Long và huyện Đầm Hà. Hiện thành phố Hạ Long đang triển khai thực hiện dự án xây mới 2 trạm cấp nước, cấp cho 733 hộ dân khu vực vùng rừng Hoành Bồ (xây dựng 1 cụm xử lý nước sạch tại xã Đồng Sơn, công suất 500 m3/ngày, cấp cho 568 hộ; xây dựng 1 cụm xử lý nước sạch tại xã Xã Kỳ Thượng, công suất 300 m3/ngày, cấp cho 165 hộ dân). Còn tại huyện Đầm Hà, xây dựng mới 2 trạm cấp nước cấp cho 1510 hộ dân (1 trạm tại xã Quảng An công suất 500 m3/ngày cấp cho 988 hộ; 1 trạm tại xã Quảng Lâm, công suất 300 m3/ngày cấp cho 522 hộ).
Năm 2025, sẽ có 8 công trình cấp nước, cấp cho 6.287 hộ dân, được đầu tư xây dựng mới. Cụ thể: Thành phố Móng Cái sẽ xây dựng mới 1 trạm cấp nước xã Bắc Sơn, công suất 200m3/ngày, cấp cho 326 hộ dân; Huyện Vân Đồn xây mới 2 công trình, cấp cho 1104 hộ dân (1 trạm cấp nước xã Bản Sen, công suất 100m3/ngày, cấp cho 254 hộ dân; 1 trạm cấp nước xã Ngọc Vừng, cấp cho 180 hộ dân); Huyện Hải Hà xây mới 2 công trình, cấp cho 1517 hộ dân (1 trạm cấp nước xã Quảng Đức 500m3/ngày, cấp cho 698 hộ dân; 1 trạm cấp nước Chúc Bài Sơn tại xã Quảng Sơn 500m3/ngày, cấp cho 819 hộ dân); Huyện Bình Liêu xây mới 3 công trình cấp cho 3.684 hộ dân (Xây dựng 1 trạm cấp nước công suất 1000 m3/ngày cấp cho 3 xã Đồng Văn, Hoàng Mô, Đồng Tâm, cấp cho 2322 hộ dân; 1 trạm cấp nước xã Húc Động, công suất 300 m3/ngày, cấp cho 518 hộ dân; 1 trạm cấp nước xã Vô Ngại, công suất 500m3/ngày, cấp cho 844 hộ dân).
Lắp đặt đường ống cấp nước sạch cho người dân xã Quảng Long, huyện Hải Hà.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng mới các công trình cấp nước sạch cho người dân khu vực nông thôn miền núi, giải pháp cải tạo hệ thống cấp nước hiện có đồng thời được tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện. Giai đoạn 2024-2025 các địa phương trong toàn tỉnh sẽ cải tạo 13 công trình cấp nước tập trung nông thôn đã đầu tư đạt QCVN 01-1:2018/BYT với tổng kinh phí đầu tư khoảng 62 tỷ đồng, cấp nước cho 6.801 hộ dân.
Trong đó, năm 2024 cải tạo 12 công trình cấp nước, cung cấp nước cho 6.286 hộ dân, cụ thể: Thành phố Móng Cái: Cải tạo 1 trạm cấp nước xã Hải Sơn, cấp 237 hộ; Huyện Vân Đồn: Cải tạo 1 trạm cấp nước xã Thắng Lợi, cấp 441 hộ; Huyện Hải Hà: Cải tạo 2 trạm cấp nước, cấp cho 1.562 hộ (Cải tạo, nâng công suất trạm cấp nước xã Đường Hoa, nâng công suất trạm 300 m3/ngày lên 1000 m3/ngày, cấp cho 1.446 hộ; Cải tạo, sửa chữa trạm cấp nước xã Cái Chiên, cấp cho 116 hộ); Huyện Đầm Hà: Cải tạo 4 trạm cấp nước, cấp cho 3307 hộ (trong đó gồm: Cải tạo 1 trạm cấp nước xã Quảng Tân, cấp cho 1112 hộ; Cải tạo 1 trạm cấp nước xã Dực Yên, cấp cho 575 hộ... Đến năm 2025 sẽ cải tạo, nâng công suất nhà máy nước Tiền Phong, xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên với công suất 1.000 m3/ngày, cấp cho 515 hộ dân.
Cùng với việc đầu tư các công trình cấp nước nông thôn, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt. Trong đó, sẽ hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tự tổ chức thi công xây dựng công trình cấp nước quy mô hộ gia đình và lắp đặt hệ thống xử lý nước hộ gia đình đảm bảo chất lượng nước sạch đạt quy chuẩn (Hỗ trợ lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình, kinh phí khoảng 10,44 tỷ đồng, kinh phí từ ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa (cấp cho 2.555 hộ trong đó 216 hộ nghèo và 2339 hộ cận nghèo); hỗ trợ hộ gia đình nông thôn vay vốn tín dụng ưu đãi từ chương trình tín dụng về nước sạch và vệ sinh nông thôn để xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa công trình cấp nước quy mô hộ gia đình.
Nhiệm vụ cấp nước sạch nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ hết sức quan tâm. Trước đó, từ tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 925/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, nhiệm vụ cấp nước sạch nông thôn trong chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tập trung rà soát, điều chỉnh và cập nhật nội dung cấp nước sạch nông thôn vào quy hoạch nông thôn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái nguồn nước; Hỗ trợ đầu tư một số mô hình cấp nước sạch tại các vùng đặc thù, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước (vùng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, vùng sâu, vùng xa, miền núi, bãi ngang ven biển, biên giới, hải đảo);
Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có (trong đó tập trung nâng cấp công nghệ xử lý chất lượng nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước, ổn định nguồn nước khai thác trong điều kiện ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu; Xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình, mô hình cấp nước hộ gia đình thích ứng với biến đổi khí hậu cho dân cư vùng đặc thù, chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, khan hiếm, khó khăn về nguồn nước…
Theo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, mục tiêu tổng thể của Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng NTM;
Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững.../.
Lê Kiên
Bình luận