Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 15/11/2024 00:11
Thứ tư, 27/04/2022 21:04
TMO - Trước sự gia tăng của rác thải sinh hoạt, hầu hết các bãi chôn lấp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều trong tình trạng quá tải. Để khắc phục hạn chế này, tỉnh đặt ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo môi trường, tiến tới mục tiêu có trên 95% rác thải đô thị toàn tỉnh được thu gom và xử lý.
Theo thống kê, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 600 tấn/ngày. Đối với các đô thị đã có nhà máy xử lý tập trung (thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đơn Dương), rác thải được thu gom và vận chuyển đến các nhà máy để xử lý. Các đô thị khác, rác thải được thu gom và vận chuyển đến các bãi chôn lấp rác thải của huyện.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Lâm Đồng, tỉnh hiện có 3 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được đầu tư và đi vào hoạt động là Nhà máy xử lý chất thải rắn vùng tỉnh tại xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc với công suất thiết kế 200 tấn/ngày, hiện, công suất hoạt động bình quân khoảng 110 tấn; Nhà máy xử lý chất thải rắn vùng tỉnh tại xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, công suất thiết kế giai đoạn I là 200 tấn/ngày, công suất hoạt động bình quân khoảng 250 tấn/ngày; Nhà máy xử lý chất thải rắn vùng huyện tại xã Ka Đô, huyện Đơn Dương với công suất thiết kế 150 tấn/ngày, công suất hoạt động bình quân khoảng 45 tấn/ngày.
Rác thải sinh hoạt tại tỉnh được thu gom, vận chuyển đến nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt
Tại các huyện còn lại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về bãi chôn lấp để xử lý. Công nghệ xử lý tại các bãi chôn lấp này không đảm bảo điều kiện bãi chôn lấp hợp vệ sinh theo quy định, rác thải đổ lộ thiên (không có hệ thống thu gom nước rỉ rác và khí thải) và định kỳ phun thuốc khử mùi.
Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng cũng đã và đang phải tiến hành đóng cửa, hoàn nguyên 4 bãi chôn lấp rác thải gồm Cam Ly (Đà Lạt); xã Pré, huyện Đức Trọng; xã Gung Ré, huyện Di Linh; xã Đạm Ri, thành phố Bảo Lộc. Song song đó, tăng cường kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn tại các huyện Đạ Huoai, Lâm Hà, Di Linh…
Tất cả các nhà máy xử lý chất thải rắn đầu tư mới trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư theo hình thức xã hội hóa và xử lý với công nghệ chế biến phân vi sinh kết hợp đốt, thay vì sử dụng công nghệ chôn lấp không hợp vệ sinh như hiện nay.
Các bao tải rác được phân loại trước khi đưa vào xử lý tại Nhà máy xử lý rác thải Đơn Dương
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp ở trên, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh đạt trên 95% rác thải đô thị được thu gom và xử lý. Theo đó, Sở đề ra giải pháp xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình cộng đồng tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Chú trọng tăng cường giám sát của cộng đồng trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn.
Xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Xác định công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải đô thị, Lâm Đồng đề ra kế hoạch sẽ thực hiện thí điểm mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn tại các khu vực công cộng, khu du lịch, khu dân cư tập trung. Bố trí kinh phí đầu tư thiết bị và bổ sung nhân lực cho các đơn vị thực hiện công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương nhằm đảm bảo năng lực thu gom.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh cũng sẽ quy hoạch, đầu tư các bãi lưu giữ rác dự phòng (tại các địa phương có nhà máy xử lý) để các địa phương chủ động trong công tác xử lý rác thải sinh hoạt; đảm bảo điều kiện lưu giữ rác dự phòng khi nhà máy xử lý gặp sự cố về kỹ thuật, môi trường.
Đức Nghĩa
Bình luận