Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Chủ nhật, 17/09/2023 07:09
TMO - Việc các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm mở rộng sản xuất nhằm giảm thiểu chất thải nhựa sẽ tạo điều kiện để ngành công nghiệp tái chế phát triển, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) là việc các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm quản lý bao bì sản phẩm của mình khi chúng bị thải bỏ ra môi trường. EPR là một công cụ kinh tế tuân theo nguyên tắc thị trường và là một cách tiếp cận chính sách mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề chất thải, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, đem lại cơ hội kinh tế, việc làm cho xã hội và giúp Chính phủ các nước đạt được các mục tiêu về môi trường.
Hiện nay có khoảng hơn 400 hệ thống EPR khác nhau trên toàn cầu mà các quốc gia đang áp dụng. EPR và kinh tế tuần hoàn có mối quan hệ mật thiết với nhau, không thể có kinh tế tuần hoàn nếu không có EPR, và EPR là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, các yếu tố về kinh tế xanh, kinh tế bền vững, kinh tế tuần hoàn đang dần được “tiêu chuẩn hóa” trở thành điều kiện bắt buộc trong giao dịch thương mại, nhất là trong các hiệp định thương mại tự do. Việc bắt buộc áp dụng EPR là cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Đây là chính sách rõ ràng và cụ thể nhất giúp giải quyết các vấn đề rác thải nhựa hiện nay và EPR cũng khởi đầu nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, đặt nền móng ban đầu cho hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế hiện đại, thân thiện với môi trường. Việc thay đổi cách tiếp cận này là phù hợp với thông lệ quốc tế và EPR được coi là một trong những công cụ chính sách thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam hiện nay.
Việc áp dụng tự nguyện mà không bắt buộc làm cho mô hình EPR không phát huy được tác dụng mong muốn, không tạo ra cơ chế tài chính bền vững cho việc thu hồi, xử lý sản phẩm, bao bì sau sử dụng; không có tác động đến quá trình sử dụng nguyên liệu, thiết kế sản phẩm dễ thu gom, tái chế, kéo dài vòng đời sản phẩm... Vì vậy, với xu hướng tất yếu của sự phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn thì việc bắt buộc áp dụng EPR là cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tại nhiều đơn vị, rác thải được coi là nguồn tài nguyên sau khi phân loại sẽ được vào xử lý làm sạch trước khi sản xuất hạt nhựa.
Trước đây Luật chỉ quy định trách nhiệm thu hồi và xử lý các sản phẩm thải bỏ của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu thì hiện nay theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, nội dung này đã được thay đổi cách tiếp cận trong đó nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm bao bì đối với 6 nhóm sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế và thu gom, xử lý chất thải đối với 6 nhóm sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải.
Tại Việt Nam, EPR đã được quy định tại điều 54 Luật Bảo vệ môi trường và tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Theo lộ trình, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế săm lốp, pin ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì bắt đầu từ ngày 1/1/2024. Nhà sản xuất nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025 và nhà sản xuất nhập khẩu phương tiện giao thông (ôtô xe máy) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027. Ngoài ra, nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải... cũng phải có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2022.
Từ năm 2021 đến nay, sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành và có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều Hội thảo, tập huấn để phổ biến các nội dung về EPR để các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhập khẩu tiếp cận, nắm bắt và thực hiện những quy định này. Tuy nhiên, trong thực tế, nhu cầu tìm hiểu và tiếp cận về EPR và kinh tế tuần hoàn hiện nay vẫn là rất lớn; một số hiệp hội và doanh nghiệp chưa biết và chưa được tiếp cận với vấn đề này.
Tại nhiều doanh nghiệp sản xuất, để quản lý chất thải bền vững trong nền kinh tế tuần hoàn, chất thải được xem là tài nguyên” và để ứng dụng thành công các phương pháp xử lý chất thải tiếp theo. Theo đó, các doanh nghiệp này áp dụng mô hình đồng xử lý chất thải. Dựa trên đặc tính và giá trị của các nhóm chất thải khác nhau, chúng tôi đã có những phương án nhằm biến chất thải – thứ đã bị loại bỏ trong quá trình sản xuất đầu tiên và tưởng chừng như không còn giá trị sử dụng sẽ trở thành nguyên, nhiên liệu tạo ra các sản phẩm. Từ đây, sẽ tiếp tục được đưa vào vòng đời thứ 2, phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, nhóm chất thải có đặc tính sinh nhiệt được sử dụng làm nhiên liệu cho nhà máy xi mặng như: chất thải có thể cháy được - vỏ bao bì các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày nhiều lớp không thể tái chế, nhựa sử dụng một lần từ các bãi chôn lấp rác sinh hoạt, từ nhựa đại dương các dự án giảm nhựa. Nhóm chất thải có đặc tính tương tự như đất sét sử dụng làm một phần nguyên liệu thay thế cho quá trình sản xuất xi măng cụ thể: Bùn thải, tro xỉ từ quá trình đốt lò, Tro bay, Chất thải hữu cơ từ rác sinh hoạt… Từ đó tạo nên vòng tuần hoàn khép kín của chất thải, góp phần thực hiện EPR.
Thanh Hải
Bình luận