Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 16/11/2024 11:11
Thứ ba, 12/11/2024 06:11
TMO - Hiện nay, tái chế là xu hướng tất yếu trên thế giới, và đây cũng là cơ hội cho ngành Tái chế của Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng cơ chế pháp luật về tái chế với nhiều quy định, cơ chế ưu đãi để thúc đẩy tái chế. Tuy nhiên, nhằm mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm rác thải về sản phẩm bao bì nhựa, cần gia tăng trách nhiệm của các đơn vị thu gom, tái chế sản phẩm bao bì để bảo vệ môi trường.
Số liệu từ Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chỉ ra, ở Việt Nam trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển. Tuy nhiên, chỉ 27% lượng rác này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở và doanh nghiệp.
Trong số 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường mỗi năm, phần lớn trong số đó là có túi nilon. Tính trung bình mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng; hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần...Hiện nay việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế.
Theo tính toán, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt; nhưng chỉ có khoảng 11 - 12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt hay thải ra ngoài môi trường.
Do đó việc tăng cường trách nhiệm của đơn vị thu gom, tái chế sản phẩm bao bì, bảo vệ môi trường là rất cấp thiết. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có quy định mới về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị sản xuất.
Tại tỉnh Ninh Bình hiện có 2 doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận là đơn vị đủ năng lực thực hiện tái chế sản phẩm bao bì. Đây là những quy định có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý chất thải. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng quy định đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là khâu thu gom sản phẩm bao bì buộc phải tái chế.
Tại tỉnh Ninh Bình hiện có 2 doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp phép tái chế bao bì nhựa. (Ảnh minh hoạ).
Đơn vị tái chế tại Cụm Công nghiệp Văn phong, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) là đơn vị đầu tiên của Ninh Bình được công nhận đủ năng lực thực hiện tái chế sản phẩm bao bì do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố. Lãnh đạo đơn vị này cho biết, công ty sử dụng nguồn nguyên liệu là bao bì cũ, đã qua sử dụng để sản xuất giấy và bao bì. Đơn vị tự tin về khả năng tái chế, sản phẩm cung ứng ra thị trường đa phần có chất lượng cao, đồng nghĩa với việc yêu cầu khắt khe về nguồn nguyên liệu đầu vào.
Vì vậy, công ty hiện đang phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào từ các nước để đảm bảo chất lượng đầu ra sản phẩm. Đối với bao bì đã qua sử dụng trong nước, việc thu mua gặp nhiều khó khăn do các đơn vị thu gom không phân loại hoặc phân loại qua loa.
Do đó, nguồn nguyên liệu này không đáp ứng được việc sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Để phù hợp quy định đối với tỷ lệ nguồn nguyên liệu đầu vào trong nước, công ty luôn chú trọng đến việc nâng cao tỷ lệ sử dụng "rác" thu gom trong nước bằng cách cải tiến công nghệ để cho ra sản phẩm phù hợp, hướng tới sử dụng nguyên vật liệu trong nước trên 50%. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tại Khoản 1, Điều 54 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm.
Quy định này phù hợp với tình hình thực tế hiện nay để các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường. Các đơn vị tái chế mong muốn được xử lý trước tiên là sản phẩm phế thải bao bì trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ ưu tiên ký hợp đồng với các cơ sở phân loại tốt "rác" để thuận tiện trong quá trình tái chế. Ngoài doanh nghiệp trên, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình còn một đơn vị khác cũng được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố (đợt 2) trong danh sách các đơn vị đủ điều kiện tái chế.
Doanh nghiệp này có địa chỉ tại huyện Yên Khánh, (tỉnh Ninh Bình). Đây là cơ sở có bề dày sản xuất, tái chế sản phẩm bao bì, nên có nhiều kinh nghiệm thu gom, xử lý. Trước đây, đơn vị chỉ tập trung vào việc thu gom nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, nay đã nêu cao vai trò trách nhiệm trong tái chế sản phẩm, bao bì.
Lãnh đạo công ty cho biết, công ty đánh giá cao về những quy định mới trong Luật Bảo vệ môi trường. Công suất thiết kế của nhà máy đạt 50 tấn sản phẩm/năm nhưng thực tế chỉ sản xuất được tối đa 15 tấn sản phẩm/năm.
Hiện nguồn nguyên liệu trong nước chỉ chiếm tối đa 10% tổng khối lượng nguồn nguyên liệu đầu vào của một số doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa. (Ảnh minh hoạ).
Nguyên nhân do nguồn nguyên liệu đầu vào không đảm bảo công suất theo thiết kế. Hiện nguồn nguyên liệu trong nước chỉ chiếm tối đa 10% tổng khối lượng nguồn nguyên liệu đầu vào. Trong tương lai để đáp ứng được công suất sản xuất thực tế của nhà máy và chung tay vào Luật Bảo vệ môi trường, công ty mong muốn được các cơ quan hữu quan tạo điều kiện, hoặc làm đầu mối để tiếp cận với cơ sở không đủ năng lực tái chế, ký kết hợp đồng xử lý sản phẩm bao bì đã qua sử dụng của họ.. Hiện nay, việc áp dụng những quy định mới trong việc tái chế sản phẩm bao bì tại địa phương đến nay vẫn còn nhiều bỡ ngỡ.
Về mặt quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã phát huy tối đa trách nhiệm, tích cực tuyên truyền để các cơ sở sản xuất bao bì có sản phẩm buộc phải tái chế hiểu và tuân thủ. Lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình cho rằng, quy định về việc các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện việc tái chế sản phẩm đã qua sử dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế là rất quan trọng.
Qua đó, góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác thải về sản phẩm bao bì nhựa. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, UBND tỉnh tăng cường tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, nhập khẩu sản phẩm bao bì, tổ chức, cá nhân có tái chế sản phẩm thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định của Chính phủ quy định về thời hạn, tỷ lệ thực hiện tái chế sản phẩm.
Chi cục sẽ tăng cường thanh, kiểm tra các đơn vị sản xuất, nhập khẩu sản phẩm bao bì trong việc thực hiện nghiêm quy định về tái chế sản phẩm bao bì đã qua sử dụng. Trách nhiệm tái chế, thu gom xử lý bao bì nhựa của nhà sản xuất được coi là giải pháp hiệu quả giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa và đặt nền móng cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Nếu thực hiện đúng, đầy đủ và đáp ứng theo các yêu cầu, Việt Nam hoàn toàn có thể đảm bảo sự khép kín, tuần hoàn tài nguyên giữa nguồn nguyên liệu đầu vào và chất thải nhựa sinh ra trong các hoạt động sinh hoạt, sản xuất.
Vũ Lan
Bình luận