Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Chủ nhật, 10/07/2022 18:07
TMO - Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vai trò của khoa học công nghệ trong thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hết sức quan trọng.
Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, bên cạnh các mục tiêu kinh tế, ngành lâm nghiệp còn chú trọng nhiệm vụ phát triển rừng. Cụ thể: Trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng các loài cây bản địa, quý hiếm bình quân 4.000 - 6.000 ha/năm; phục hồi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trung bình 15.000 ha/năm; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, năng suất và hiệu quả rừng trồng và các hệ thống nông lâm kết hợp; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 500.000ha vào năm 2025.
Để hoàn thành những mục tiêu này, Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ, đặc biệt trong việc thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa
Trong đó, giai đoạn 2022-2030 là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho ngành, bởi khoa học công nghệ không những giải quyết được vấn đề quỹ đất mà còn giúp ngành lâm nghiệp tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ từ nhiều nguồn lực khác nhau.
Hiện ngành Lâm nghiệp tăng cường năng lực quản trị rừng cho các chủ rừng thông qua việc thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ thông tin trong quản lý ngành lâm nghiệp. Mục tiêu đến năm 2030, 100% chủ rừng là tổ chức có đủ năng lực theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng dựa trên khoa học công nghệ.
Thời gian qua, ngành Lâm nghiệp đang nhận sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương. Hiện hệ thống văn bản chính sách, quy phạm pháp luật cho ngành lâm nghiệp khá toàn diện. Bên cạnh đó, ngành đang triển khai nhiều đề án quan trọng như chế biến lâm sản, trồng 1 tỷ cây xanh, trồng rừng ven biển...
Khoa học công nghệ không những giải quyết được vấn đề quỹ đất mà còn giúp ngành Lâm nghiệp tranh thủ được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Với những kinh nghiệm tiếp thu được từ các quốc gia như Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức..., Việt Nam đã hòa nhập với cuộc cách mạng chuyển đổi số, đa dạng hóa nguồn thu từ rừng như bán tín chỉ các bon, phí chi trả dịch vụ môi trường rừng...
Tại Kế hoạch hành động, tổ chức chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Lâm nghiệp cần phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến lâm. Trong đó, khuyến khích phát triển lâm sản ngoài gỗ, triển khai trồng thử nghiệm một số loài cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học trong quản lý và bảo vệ rừng, phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ.
Tăng cường đầu tư nâng cao năng lực, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng theo hướng hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu quả, thống nhất, liên tục. Thúc đẩy hiện đại hóa công nghiệp chế biến lâm sản tại địa phương, khuyến khích áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong chế biến sâu, tiết kiệm nguyên liệu; khuyến khích phát triển các vật liệu mới thay thế gỗ, kết hợp gỗ nhựa, gỗ kim loại.
Đồng thời, tăng cường năng lực theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cho các chủ rừng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ thông tin trong quản lý ngành lâm nghiệp.
Hồng Anh
Bình luận