Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Chủ nhật, 24/09/2023 07:09
TMO - Cục Kiểm lâm đã đề xuất xây dựng dự thảo khung kế hoạch về quản lý hổ nuôi nhốt với một số các giải pháp mới như: Quản lý, giám sát hổ bằng công nghệ ADN, hình ảnh sọc vằn, gắn chíp,… phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc; hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động trên.
Số liệu thống kê của đơn vị chức năng cho thấy, Việt Nam có khoảng 388 cá thể hổ nuôi nhốt trong các vườn thú, trung tâm cứu hộ, và các khu nuôi nhốt tư nhân. Trên toàn cầu, loài hổ đang có nguy cơ cao bị tuyệt chủng và được bảo vệ cả trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES). Công ước CITES yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp hạn chế số lượng quần thể hổ nuôi nhốt ở mức nhất định, để hỗ trợ cho việc bảo tồn hổ hoang dã và ngăn chặn mọi hoạt động sinh sản, sinh trưởng để buôn bán các bộ phận, sản phẩm từ hổ.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đánh giá về việc thí điểm và thực trạng nuôi hổ tại 5 cơ sở tư nhân được phép nuôi hổ thí điểm. Dựa trên những đánh giá này, việc xây dựng Khung kế hoạch quản lý hổ nuôi nhốt tại Việt Nam đã được đề xuất.
Hoạt động nuôi nhốt hổ trong các vườn thú, trung tâm cứu hộ, và các khu nuôi nhốt tư nhân cần được quản lý chặt chẽ. Ảnh: BTT.
Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, Cục Kiểm lâm đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng nuôi nhốt hổ cũng như công tác quản lý hổ, qua đó nhận thấy còn một số vấn đề khó khăn, thách thức đối với các cơ sở nuôi hổ cũng như công tác quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng.
Qua đó, Cục Kiểm lâm đã đề xuất xây dựng dự thảo khung kế hoạch về quản lý hổ nuôi nhốt với một số các giải pháp mới như: Quản lý, giám sát hổ bằng công nghệ ADN, hình ảnh sọc vằn, gắn chíp,… phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc; hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan; tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng buôn bán, nuôi nhốt, sử dụng trái pháp luật hổ và các sản phẩm, dẫn xuất từ hổ,... Cục Kiểm lâm sẽ hoàn thiện Kế hoạch quản lý hổ trong thời gian tới, bảo đảm phù hợp với quy định của Công ước CITES, pháp luật Việt Nam và tình hình thực tiễn.
Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (MBFP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hổ là loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rất cao do tình trạng săn bắt, buôn bán, nuôi sinh trưởng, sinh sản trái pháp luật, nên chúng phải được bảo vệ theo các Công ước quốc tế và Luật pháp của quốc gia. Với sự đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế, đơn vị mong muốn hỗ trợ việc hoàn thiện Kế hoạch quản lý hổ nuôi nhốt tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam, tính đến tháng 6/2023, số lượng hổ nuôi nhốt tại các cơ sở tư nhân có đăng ký trên cả nước (trang trại và vườn thú tư nhân) khoảng 300 cá thể, tăng gần 6 lần so với số lượng hổ nuôi nhốt có đăng ký được ghi nhận tại Việt Nam năm 2007. Qua quá trình đánh giá hoạt động nuôi nhốt hổ và các loài động vật hoang dã tại các cơ sở này trong những năm qua, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên nhận thấy, về cơ bản, các cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số trường hợp đang “núp bóng” các cơ sở nuôi động vật hoang dã để thực hiện hoạt động buôn bán hổ trái phép.
Thực tế này đòi hỏi, chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan để thắt chặt quản lý hoạt động nuôi nhốt hổ tại Việt Nam. Trước mắt, cần ban hành một chính sách đặc biệt với hoạt động nuôi nhốt hổ, trong đó có quy định kiểm soát sinh sản đối với hổ nuôi nhốt, nhằm đảm bảo duy trì số lượng hổ chỉ ở mức hỗ trợ cho công tác bảo tồn, cũng như xây dựng các cơ chế giám sát để đảm bảo các cơ sở không tham gia vào bất kỳ hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép nào.
Về lâu dài, cần xem xét xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng để quản lý toàn diện hoạt động của các cơ sở nuôi động vật hoang dã không vì mục đích thương mại, trong đó có các cơ sở nuôi nhốt hổ, để tạo tiền đề cho hoạt động của các cơ sở hợp pháp, cũng như ngăn chặn việc các đối tượng lợi dụng vỏ bọc cơ sở nuôi hổ không vì mục đích thương mại để thực hiện các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép. Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tiến hành hoạt động: “Điều tra, thống kê và lập hồ sơ quản lý toàn bộ số hổ đang được nuôi tại Việt Nam; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, nhận dạng các cá thể hổ nuôi (thực hiện qua hồ sơ gen, hình ảnh, gắn chip điện tử và gắn thẻ đánh dấu”.
Ngọc Lan
Bình luận