Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 05:11
Chủ nhật, 02/10/2022 05:10
TMO - Với nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn nạn khai thác, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã trái phép, song Việt Nam vẫn được coi là điểm nóng về tiêu thụ, trung chuyển động vật hoang dã. Để ngăn chặn tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng cả cộng đồng cần chung tay vào cuộc với các hành động thiết thực...
Thông tin tại hội thảo về nhận diện vai trò và tăng cường năng lực vận động chính sách ngăn chặn buôn bán trái phép động vật hoang dã cho các tổ chức bảo tồn của Việt Nam, Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Việt Nam là một trong 25 nước có ĐDSH cao nhất thế giới với khoảng 3.000 loài cá, hơn 1.000 loài chim và hơn 300 loài thú.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật, thực vật hoang dã đã và đang gia tăng, làm suy thoái sinh cảnh tự nhiên, gây mất đa dạng sinh học; tạo ra áp lực lớn cho công tác bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam.
Theo báo cáo của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong quý I năm 2022, đơn vị này đã ghi nhận 808 vụ vi phạm về mua bán, vận chuyển động vật hoang dã. Trong đó, 46 vụ vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã quy mô lớn; 588 vụ quảng cáo và bán lẻ động vật hoang dã; 164 vụ tàng trữ, nuôi nhốt động vật hoang dã.
Việt Nam đang là điểm nóng trung chuyển, tiêu thụ số lượng lớn ĐVHD
Năm 2021, cả nước ghi nhận hơn 3.700 vụ việc vi phạm liên quan động vật hoang dã. Trong đó, hành vi quảng cáo, rao bán trái phép động vật hoang dã chiếm tới 2.594 vụ việc, tiếp theo là gần 1.000 vụ việc liên quan tàng trữ, nuôi nhốt trái phép và hơn 180 vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã. Trong số các loài động vật hoang dã bị quảng cáo trên các phương tiện thông tin, buôn bán, nuôi nhốt trái phép gồm: ngà voi (566 vụ), hổ (551 vụ), gấu (546 vụ), khỉ (267 vụ) và 70 vụ việc liên quan tê tê.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc cần phải bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm phục vụ cho phát triển kinh tế -xã hội, bảo vệ môi trường, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để tăng cường quản lý hiệu quả công tác này. Điển hình như chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; chỉ thị số 04/CT-TTg về các giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,…
Cùng với những chính sách của nhà nước, các chuyên gia nhận định để khắc phục tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật, thực vật hoang dã cần phải có sự chung tay của tất cả các cấp, ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng với những hành động thiết thực để bảo vệ các loài động vật hoang dã, quý hiếm, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Thời gian qua, các tổ chức phi chính phủ (NGO) của Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD đã rất tích cực và chủ động trong hoạt động này.Mới đây, Bộ NN&PTNT cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khởi động dự án Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp.
Dự án sẽ được thực hiện trong 5 năm với ngân sách 15 triệu USD nhằm hỗ trợ Việt Nam kiểm soát tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép. Dự án mới sẽ tập trung bảo vệ các loài động vật đang có nguy cơ bị buôn bán quốc tế vào Việt Nam như tê giác châu Phi, voi châu Phi và châu Á, tê tê, cũng như các loài động vật thường xuyên bị săn bắt và buôn bán trong nước và quốc tế như linh trưởng, hoẵng và các loài mèo lớn...
Đề cập đến các giải pháp về chính sách pháp luật để ngăn chặn buôn bán ĐVHD, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển cho rằng, cần bổ sung, sửa đổi các quy định trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính; quy định rõ chức năng và nhiệm vụ của Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT trong vấn đề bảo vệ động, thực vật hoang dã và bảo tồn thiên nhiên.
Việc tăng cường phối hợp giữa các lực lượng sẽ góp phần triển khai hiệu quả công tác bảo tồn ĐVHD
Đặc biệt, cần có các cơ chế hợp tác bắt buộc giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT trong việc ban hành các quy định chuyên ngành để đảm bảo tính đồng nhất. Hợp nhất các Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (được sửa đổi và bổ sung bởi Nghị đinh 84/2021/NĐ-CP) và Nghị định 160/2013/NĐ-CP (Điều 7 được sửa đổi bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP). Nghị định mới cần có 1 danh mục loài; cách quản lý, trách nhiệm của 2 bộ và thống nhất thực hiện ở địa phương.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD và triệt tiêu được tình trạng gian lận trong công tác quản lý gây nuôi động vật, giải pháp khả thi là cần ban hành danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại trong những loài thuộc danh mục này.
Đồng thời, cần áp dụng các nghị định, thông tư có chế tài liên quan đến ĐVHD có tính chất răn đe. Ví dụ như, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các hoạt động nhập trái phép, hoặc nhập loài xâm hại có thể bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; Điều 246 của Bộ luật Hình sự quy định người nhập khẩu hoặc phổ biến các loài ngoại lai xâm lấn (các cửa hàng, người nuôi, người sưu tập…) có thể bị phạt tiền lên tới 1 tỷ đồng, hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù tới 7 năm...
Đức Mạnh
Bình luận