Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ hai, 19/09/2022 12:09
TMO - Thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai đầu tư xây dựng các dự án xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp, làng nghề... đồng thời lên phương án xử lý ô nhiễm môi trường đối với làng nghề hướng tới mục tiêu các làng nghề được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về môi đến năm 2030.
Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 42 cụm công nghiệp đã và đang được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong đó có 26 cụm công nghiệp đã đưa trạm xử lý nước thải vào hoạt động; còn lại 2 trạm xử lý nước thải không hoạt động, 1 trạm hoạt động không hiệu quả do chỉ xây dựng hệ thống thu gom, bể chứa, lắng…
Ngoài ra, còn 11 cụm công nghiệp do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội (nay là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp) đang tập trung triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Qua giám sát của HĐND thành phố gần đây cho thấy, tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp đã hoạt động ổn định giai đoạn 2014-2015 đang chậm so với kế hoạch. Một số cụm công nghiệp được đầu tư đồng bộ trạm xử lý nước thải tập trung song chưa phát huy hiệu quả do các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa thực hiện nghiêm việc đấu nối xả thải với hệ thống này.
Trước những tồn tại trong xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị UBND thành phố Hà Nội có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp, do cơ sở hạ tầng ban đầu xây dựng đã xuống cấp nên cần kinh phí cải tạo, bảo dưỡng. Cùng với đó là có cơ chế hỗ trợ kinh phí để vận hành trạm xử lý nước thải khi nguồn thu chưa bảo đảm cân đối với nguồn kinh phí quản lý, vận hành.
Sở Công Thương kiến nghị UBND thành phố Hà Nội có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp
Với các cụm công nghiệp diện tích nhỏ chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải cần có giải pháp đấu nối nước thải với các cụm công nghiệp khác đang triển khai gần khu vực và đã có hệ thống xử lý nước thải để tránh lãng phí tài chính trong vận hành trạm. Đối với cụm công nghiệp không còn quỹ đất để xây dựng trạm xử lý nước thải thì đề nghị bổ sung quy hoạch để triển khai.
Sở Công Thương cũng đề nghị thành phố tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm bảo vệ môi trường với doanh nghiệp tự ý khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất, không đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý của cụm công nghiệp.
Tại các làng nghề, Sở TN&MT cho biết, số liệu tổng hợp từ báo cáo của các Quận, huyện và thị xã, hiện có 93 làng nghề đã được đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước thải đồng bộ. Các làng nghề chưa có hệ thống thu gom, thoát nước thải đồng bộ, nước thải phát sinh từ các làng nghề (sinh hoạt và sản xuất) đều được thoát tự nhiên và xả trực tiếp ra ao, hồ, kênh mương... của khu vực.
Nâng cao hiệu quả xử lý nước thải tại các làng nghề là một trong những nhiệm vụ UBND TP quán triệt triển khai
Thời gian qua, một số nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề tập trung đã hoàn thành: Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, tại huyện Huyện Hoài Đức công suất 20.000 m3/ngày đêm; xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề 3 xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế, huyện Hoài Đức vận hành từ năm 2016.
Nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, Hoài Đức, công suất 4.000m/ngày đêm, tiếp nhận nước thải của 4 xã: Vân Canh, Kim Chung, Lại Yên, Di Trạch. Đã được HĐND thành phố chấp thuận bố trí ngân sách theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết 21/NQ-HĐND ngày 23/9/2021.
Hiện nay, thành phố đã kêu gọi đầu tư các dự án xử lý môi trường làng nghề: 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 569 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư 48 cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì và quận Hà Đông với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 8.900 tỷ đồng.
Để xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, Sở TN&MT đã rà soát, đề xuất phương hướng thực hiện các dự án, nhiệm vụ ưu tiên về bảo vệ môi trường làng nghề. UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo Sở TN&MT xây dựng "Danh mục, lộ trình và phương án xử lý ô nhiễm môi trường đối với làng nghề trên địa bàn giai đoạn 2020-2030)", hoàn thành trong năm 2022.
Hiện Sở TN&MT đang triển khai công tác đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường nước mặt tại các làng nghề theo phương án tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đã được UBND Thành phố chấp làm cơ sở lập Danh mục trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt. Căn cứ Danh mục được ban hành, sẽ triển khai các dự án xử lý nước thải tại làng nghề.
Đến hết năm 2025, Hà Nội phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu: 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề, khu, cụm công nghiệp được xử lý; 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải; 100% làng nghề được đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Gia Huy
Bình luận