Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 02:11
Thứ năm, 10/11/2022 03:11
TMO - Theo các chuyên gia, để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong thời gian tới, cần chủ động tích trữ, điều hoà nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm hoạ, thiên tai liên quan đến nước, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.
Ngày 23/6/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Bộ Chính trị đánh giá, công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế: công tác quản trị nguồn nước còn yếu, ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập hồ chứa nước còn thiếu, chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an ninh nguồn nước. Trước những hạn chế trên, Bộ Chính trị đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.
Bảo đảm an ninh nguồn nước giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương trên cả nước
Thông tin tại hội thảo Nâng cao hiệu quả thực hiện Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, đại diện Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết “Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước phong phú với tổng lượng nước mặt trung bình khoảng 840 nghìn tỷ m3/năm. Với hơn 7.500 đập, hồ chứa nước đã tạo nên dung tích chứa nước trên 70 tỷ m3.
Tuy nhiên nguồn nước của Việt Nam đang sụt giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, cùng với đó là thoái hóa rừng, quá trình đô thị hóa, quá trình phát triển kinh tế-xã hội… ô nhiễm nguồn nước đã làm suy giảm chất lượng nguồn nước.
Trước thực trạng trên, thời gian qua nhà nước đã bố trí 16.000 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn cho hơn 800 hồ chứa. Tuy nhiên vẫn còn đến 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp, chưa sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ chứa bị hư hỏng nghiêm trọng cần xử lý cấp bách. Do đó, thời gian tới nếu không có giải pháp đột phá, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất an ninh nguồn nước, mất an toàn đập, hồ chứa nước, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Hội Thủy lợi Việt Nam, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong thời gian qua luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân.
Hệ thống pháp luật, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước tiếp tục được hoàn thiện, nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngành nước được tăng cường. Công tác điều tra cơ bản, quy hoạch liên quan đến nguồn nước được quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, thủy lợi, phòng chống thiên tai được thực hiện thường xuyên…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước vẫn còn nhiều hạn chế như: Công tác quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả, ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao, ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng; Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn thiếu, chưa đồng bộ…
Tại Kết luận 36-KL/TW, Bộ chính trị chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế yếu kém trong công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước: Nhận thức của người dân về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước, bảo vệ và sử dụng nước chưa đầy đủ; công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất; thể chế, chính sách chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; chưa chú trọng đến quản trị nguồn nước, kinh tế nguồn nước; nguồn lực đầu tư cho bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực xã hội còn hạn chế; chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa nghiêm…
Kết luận 36-KL/TW nhấn mạnh tới các mục tiêu và nhiệm vụ trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước
Để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong thời gian tới, Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện mục tiêu tổng thể: Bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Đồng thời, chủ động tích trữ, điều hoà nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm hoạ, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.
Hội Thuỷ lợi Việt Nam cho rằng, muốn bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn nước phải nghiên cứu quy hoạch lưu vực sông, tính toán cân bằng nước trên cả một vùng rộng lớn thì từ đó mới đề ra chiến lược, xây dựng quy hoạch và kế hoạch đúng đắn. Bên cạnh đó, nên đưa công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai về một đầu mối.
Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhấn mạnh cần có giải pháp phi công trình và công trình. Trong đó, cần phải lập mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi; Phân lưu vực tiêu thoát nước hợp lý có tính đến yếu tố liên kết vùng; Nâng cao năng lực của chính quyền đô thị; Rà soát các dự án thoát nước tại các thành phố, đô thị; Ưu tiên vốn để cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước cũ.
Hải Nam
Bình luận