Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ ba, 16/01/2024 14:01
TMO - Thực hiện phương án “Xây dựng hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng, tuyên truyền cho người dân về tác hại của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tới con người và cộng đồng”, tỉnh Nghệ An đã xây dựng được hệ thống bể chứa tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh.
Là tỉnh có quy mô nông nghiệp lớn, Nghệ An gieo trồng khoảng 370.000 ha cây trồng các loại, sử dụng từ 400-500 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Cũng từ đó, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 50 - 70 tấn bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật các loại được thải ra. Thực tế, tại những vùng chưa có bể thu gom, nguồn rác thải nguy hiểm này cơ bản được người nông dân vứt lại trên bờ ruộng, kênh mương, trở thành nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng môi trường đất và nước, làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe con người.
Để đảm bảo yêu cầu theo quy định tại Thông tư liên tịch của Liên bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tài nguyên & Môi trường, Nghệ An phải có 51.330 bể chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật. Thực hiện chương trình xây dựng hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng, tuyên truyền cho người dân về tác hại của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tới con người và cộng đồng, tính đến tháng 3/2022, trên địa bàn tỉnh mới có 15.508 bể, như vậy, số bể còn thiếu lên đến 35.822 cái. Đến nay, ngoài nỗ lực của các địa phương, tỉnh đã hỗ trợ ngân sách xây dựng được 6.735 bể chứa tại 78 xã của 6 huyện, trong đó Yên Thành 2.215 cái, Đô Lương 1.428 cái, Thanh Chương 870 cái, Anh Sơn 438 cái, Diễn Châu 850 cái và Quỳnh Lưu 934 cái.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng xây dựng được hệ thống bể chứa tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm (Ảnh minh họa).
Trong đó, Yên Thành là huyện đầu tiên được chọn triển khai thực hiện phương án, bắt đầu từ năm 2017. Địa phương này có hơn 44.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có trên 13.200 ha đất lúa, chiếm tới trên 10% diện tích lúa của tỉnh Nghệ An. Trong điều kiện dịch hại trên cây lúa thường xuyên phát sinh, vấn đề phòng trừ được người dân rất quan tâm, thì số lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên đồng ruộng cũng rất lớn. Tại huyện Đô Lương, với diện tích 12.011 ha cây hàng năm, trong đó có 8.972 ha không bị ngập lụt có thể đặt bể thu gom bao bì vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, thì tổng lượng bể cần có là 2.991 bể.
Huyện Quỳnh Lưu có 640 ha chuyên canh rau màu các loại, chủ yếu tập trung tại các xã vùng bãi ngang như Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, với diện tích gần 450 ha. Năm 2023, địa phương này được hỗ trợ lắp đặt 934 bể chứa thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích sản xuất lúa và rau màu tại 12 xã trước đó, trên địa bàn mới trang bị được 1.595 bể, còn thiếu 2.876 bể mới đáp ứng yêu cầu. Cùng với nỗ lực trang bị bể chứa, huyện Quỳnh Lưu cũng rất chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc thu gom, xử lý bao bì, vỏ chai cũng như tác hại của tồn dư thuốc đối với con người và cộng đồng.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An, hiện mỗi năm, Chi cục chỉ mới thu gom, xử lý theo quy trình an toàn khoảng 2,5 tấn rác thải bảo vệ thực vật, chiếm khoảng 3,6% lượng bao bì; tại các địa phương, việc thu gom xử lý đúng quy định gần như chưa đáng kể. Số lượng rác thải khổng lồ còn lại được xử lý chưa đúng cách. Để có thể giải quyết vấn đề này, thì hàng năm UBND tỉnh, các huyện và cấp, ngành cần bố trí nguồn kinh phí để thực hiện thu gom, tiêu hủy đúng quy định.
Địa phương này từng bước phủ kín hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng.
Với mục tiêu từng bước hoàn thiện hệ thống thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân, thời gian tới, phương án “Xây dựng hệ thống bể thu gom xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ngoài đồng ruộng, tuyên truyền cho người dân về tác hại của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tới con người và cộng đồng” sẽ tiếp tục được triển khai tại các địa phương trong tỉnh, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng trước ở những vùng có diện tích đất sản xuất nông nghiệp tập trung, sử dụng lượng thuốc bảo vệ thực vật lớn.
Hệ thống thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sẽ phát huy hiệu quả, khẳng định hướng đi đúng trong việc nâng cao được ý thức của bà con nông dân trong bảo vệ sức khỏe con người và cộng đồng, góp phần hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và hoàn thành tiêu chí môi trường trong Bộ Tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Cùng với nỗ lực trang bị bể chứa, các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc thu gom, xử lý bao bì, vỏ chai cũng như tác hại của tồn dư thuốc đối với con người và cộng đồng. Từ khi được trang bị bể chứa, dọc các tuyến đường nội đồng, dưới kênh mương và các bãi đất trống hầu như không còn tình trạng vứt bừa bãi rác thải thuốc bảo vệ thực vật. Chuyển biến đó giúp đảm bảo vệ sinh môi trường tốt hơn, làm giảm ảnh hưởng của tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật tới đất canh tác, nguồn nước và sản phẩm nông nghiệp...
Trong sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những vật tư quan trọng góp phần bảo vệ, nâng cao năng suất cây trồng, quyết định giá trị và chất lượng nông sản. Tuy nhiên, việc lạm dụng, sử dụng thuốc BVTV không đúng cách sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, môi trường cũng như chất lượng nông sản.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Đề án phát triển sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2023, tầm nhìn năm 2050. Cục BVTV ưu tiên thực hiện đăng ký các loại thuốc sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn, ít độc, có hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến con người, vật nuôi và môi trường. Đồng thời rà soát, loại bỏ các thuốc BVTV độc hại. Trên cơ sở Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, Cục BVTV đã tham gia ký kết với các doanh nghiệp thuốc BVTV, ưu tiên cấp Giấy phép khảo nghiệm cho 28 loại thuốc BVTV sinh học với 66 sinh vật gây hại (tăng 1,27 lần so với năm 2022).
Thói quen sử dụng thuốc BVTV trong phòng trừ dịch hại của người dân đã giảm dần qua các năm. Các tỉnh vùng Ðông Nam Bộ là khu vực sử dụng thuốc BVTV sinh học cao nhất nước, trung bình 1,49 kg/ha. Ðứng thứ hai là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long 0,79 kg/ha. Tiếp đến là các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía bắc, duyên hải Nam Trung Bộ...
Thanh Hương
Bình luận