Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 11:01
Thứ ba, 09/05/2023 07:05
TMO - Kết quả rà soát, đánh giá hiện trạng hoạt động của các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cho thấy, nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn địa bàn tỉnh đang hoạt động kém bền vững, đòi hỏi ngành chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của các công trình trên trong cải thiện môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân.
Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được đầu tư từ nhiều nguồn vốn như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Dự án giảm nghèo, Chương trình 135, Dự án ổn định dân cư và phát triển kinh tế xã hội vùng chuyển dân lòng hồ Hòa Bình..., ngân hàng chính sách, từ đó xây dựng các công trình nước sạch tập trung và bể chứa nước sạch, giếng đào, giếng khoan cho các hộ dân trên toàn tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 mô hình quản lý là Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và cộng đồng quản lý các công trình cấp nước tập trung. Theo rà soát, đến nay trên địa bàn tỉnh hiện có 297 công trình cấp nước tập trung được xây dựng từ nhiều nguồn vốn. Trong đó Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được giao quản lý 19 công trình đến ngày 20/11/2020 Trung tâm đã tiếp nhận quản lý, vận hành, khai thác 07 công trình; các công trình còn lại chủ yếu do UBND xã quản lý. Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,3%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy định đạt tỷ lệ 51,2%...
Với 297 công trình cấp nước sạch tập trung, theo đánh giá về chất lượng công trình, trong đó: Hoạt động bền vững 60 công trình (20,2%); tương đối bền vững 87 công trình (29,3%); kém bền vững 84 công trình (28,3%), tổng số người dân sử dụng nước từ các công trình cấp nước kém bền vững 8.435 người; không hoạt động 66 công trình (22,2%), tổng số người dân bị ảnh hưởng từ các công trình cấp nước không hoạt động 79.804 người.
Công trình nước sạch được đầu tư, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân tại xã Hang Kia, huyện Mai Châu.
Hòa Bình là 1 trong 21 tỉnh được hưởng lợi từ Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình đã đem lại những hiệu quả thiết thực, tuy nhiên, tiến độ triển khai còn chậm. Chương trình được phê duyệt từ năm 2016, tổng nhu cầu vốn để triển khai thực hiện 271,96 tỷ đồng, với 3 hợp phần, gồm: Cấp nước nông thôn, vệ sinh nông thôn, nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá chương trình. Mục tiêu của chương trình phải đạt được trên địa bàn tỉnh là có 13.800 hộ dân được đấu nối dùng nước hợp vệ sinh; tối thiểu 60 xã đạt vệ sinh toàn xã; 85 công trình vệ sinh trạm y tế, 96 công trình vệ sinh trường học được xây mới, cải tạo; 8.850 công trình vệ sinh hộ gia đình được xây mới, cải tạo.
Để triển khai thực hiện chương trình hiệu quả, đảm bảo tiến độ, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan. Trong đó, Sở NN&PTNT là cơ quan điều phối chương trình cấp tỉnh. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến nay, ngành nông nghiệp đã bàn giao đưa vào sử dụng 5 công trình cấp nước cộng đồng dân cư; 3 công trình đã thi công cơ bản hoàn thành và đang hoàn thiện các thủ tục để bàn giao đưa vào sử dụng; 2 công trình còn lại đang triển khai thi công, với khối lượng thi công đạt từ 45 - 50%.
Năm 2022, dự kiến đưa vào kiểm đếm đấu nối cấp nước mới gồm 3 công trình nằm trong chương trình với trên 7,2 nghìn đấu nối; dự kiến lũy kế đến hết năm 2022 là 22.673/13.800 đấu nối, đạt 164,29% kế hoạch. Số đấu nối bền vững đến hết năm 2022 dự kiến đạt trên 8,4 nghìn đấu nối, đạt trên 149% kế hoạch.
Tuy nhiên, hiện nay, chương trình gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đối với ngành nông nghiệp, việc giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 không thể thực hiện được theo Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 18/1/2022 của UBND tỉnh. Vì theo quy định của chương trình, thủ tục rút vốn năm 2022 phụ thuộc vào kết quả đầu ra năm 2021. Tiến độ thi công bị ảnh hưởng do trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung, xử lý kỹ thuật một số hạng mục công trình cho phù hợp với thực tế hiện trường theo đề nghị của địa phương để nâng cao hiệu quả công trình.
Ngoài ra, số công trình nước trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, xuống cấp khá nhiều, số dân bị ảnh hưởng bởi các công trình nước không hoạt động lớn. Nhiều công trình quản lý kém sau đầu tư gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng tới đời sống người dân, do đó cần được xem xét sửa chữa, nâng cao hiệu lực quản lý các công trình nước.
Ngành chức năng tăng cường khảo sát, đánh giá hiện trạng các công trình cấp nước sạch nông thôn. Ảnh: PL.
Theo đánh giá của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hòa Bình, đa số các địa phương chưa thành lập được tổ quản lý vận hành, chưa xây dựng quy chế quản lý và chưa có phương án thu tiền sử dụng nước, do vậy các công trình không thường xuyên được bảo dưỡng định kỳ. Năng lực kỹ thuật viên chuyên môn không đều, công tác đào tạo tăng cường nhân lực chưa được quan tâm đầy đủ, trang thiết bị phục vụ sửa chữa hệ thống cấp nước nông thôn ở đại đa số các trạm là thô sơ.
Mặt khác, do sự phát triển hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các công trình, đường giao thông nông thôn khiến sự cố vỡ đường ống xảy ra ngày càng nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch. Việc bảo quản nước sạch của các hộ dân nông thôn chưa được chú trọng, sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân làm cho nguồn nước ngầm, nước mặt bị ô nhiễm.
Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ghi rõ: Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sạch là 95%. Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực của trung ương và địa phương, sự tham gia đóng góp của nhân dân để nâng cấp sửa chữa lại các công trình bị hư hỏng, mở rộng cấp nước cho các công trình đang hoạt động tốt để người dân nông thôn được sử dụng nước sạch.
Mở các lớp tập huấn về quản lý, vận hành, bảo dưỡng các công trình nước tập trung. Từ đó sẽ rút kinh nghiệm quản lý, vận hành sau đầu tư cho các cán bộ quản lý công trình nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả các công trình nước sạch nông thôn nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát phiển kinh tế và ổn định an sinh xã hội đối với vùng nông thôn, nhất là các xã vùng cao, vùng sâu trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với việc bảo vệ nguồn nước, hệ thống công trình cấp nước cũng như việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại, áp dụng công nghệ mới, quản lý vận hành thông minh, đảm bảo bền vững.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về tình hình quản lý các công trình cấp nước tập trung nông thôn tại các địa phương; đôn đốc công tác sửa chữa, nâng cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của công trình; ưu tiên nguồn lực thực hiện nhiệm vụ nước sạch nông thôn từ các chương trình, dự án về nước sạch nông thôn, sử dụng lồng ghép có hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp và nguồn tự có trong nhân dân…
Thùy Lê
Bình luận