Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ năm, 22/09/2022 22:09
TMO - Với những kết quả nổi bật trong giai đoạn 2016-2022, thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục phối hợp với các đơn vị duy trì, đẩy mạnh triển khai Chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu bắt đầu triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ năm 2016, đánh dấu một bước tiến mới trong định hướng xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hiệu quả, an toàn và bền vững. Giai đoạn 2 thực hiện trong 4 vụ (đông xuân 2020 - 2021, hè thu 2021, đông xuân 2021 - 2022 và hè thu 2022).
Qua 2 giai đoạn, Chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đã thực hiện 495 ruộng mô hình trình diễn, với diện tích 247,5ha tại 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL. Theo đó nhiều giải pháp canh tác đã được áp dụng có hiệu quả như giảm lượng giống gieo sạ xuống dưới 80kg/ha, giảm lượng phân bón và phù hợp theo từng điều kiện canh tác, quản lý nước tưới hiệu quả, quản lý sâu bệnh hại theo IPM,…
Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực trong nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Các ruộng lúa trong mô hình không chỉ giảm mạnh chi phí tiền vật tư mà năng suất còn tăng vượt trội so với ruộng đối chứng từ 200-870 kg/ha, lợi nhuận bình quân tăng 3,5-5,9 triệu đồng/ha.
Ngoài cung cấp giải pháp canh tác lúa thông minh, đồng bộ để giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận cho bà con nông dân, chương trình canh tác lúa thông minh còn thực hiện rất nhiều buổi đào tạo, tập huấn cho lực lượng cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân, giúp bà con chủ động ứng dụng các giải pháp canh tác vào thực tế sản xuất của mình một cách có hiệu quả nhất.
Chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đã tạo ra bước đột phá trong sản xuất lúa tại ĐBSCL
Nhằm nâng cao hiệu quả chương trình canh tác lúa thông minh, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối với doanh nghiệp xây dựng 25 video hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và xuất bản hàng ngàn tài liệu kỹ thuật, sổ tay canh tác lúa thông minh; cung cấp cho lực lượng cán bộ kỹ thuật và nông dân máy phun phân bón, bút đo độ mặn tự động, các bộ test đo pH đất, cung cấp thiết bị kiểm soát ngập - khô xen kẽ và trạm bơm thông minh…Đồng thời, được hỗ trợ lắp đặt thêm 1 trạm giám sát sâu rầy, 13 trạm quan trắc nước mặn, nâng tổng số lên 22 trạm cho toàn vùng ĐBSCL.
Tại thành phố Cần Thơ, mô hình canh tác lúa thông minh được thực hiện trong vụ đông xuân và hè thu 2021 tại ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. Nông dân trong mô hình đã được cung cấp phân bón chuyên dùng, hướng dẫn áp dụng công nghệ, cơ giới hóa và thực hiện các giải pháp ứng phó linh hoạt với điều kiện bất lợi của ngoại cảnh... Qua đó, chi phí sản xuất giảm hơn 1,38 triệu đồng/ha và lợi nhuận tăng cao hơn 3,4 triệu đồng/ha.
Việc ứng dụng thiết bị sạ cụm, giúp giảm lượng sử dụng giống chỉ còn ở mức 54-60kg, là giải pháp giảm giống hiệu quả cần nhân rộng. Ðồng thời, cần nhân rộng việc phân tích thành phần dinh dưỡng của đất để đưa ra công thức và quy trình bón phân cho từng vùng, giúp sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm.
Tại tỉnh Hậu Giang trong vụ hè thu 2022, mô hình thực hiện tại phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ với quy mô 02 ha được thực hiện bằng phương pháp cấy với lượng giống 50kg/ha và 02 ha áp dụng kéo hàng với lượng giống 70kg/ha. Bên cạnh đó, mô hình áp dụng canh tác theo quy trình IPM và áp dụng phân bón chuyên dùng của công ty cổ phần phân bón Bình Điền.
Kết quả của mô hình áp dụng theo quy trình canh tác lúa thông minh đã giảm lượng giống gieo sạ từ 100-150kg giống/ha so với đối chứng, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật kết hợp với bón phân chuyên dùng cân đối nên năng suất tăng từ 5-10%. Qua đó, lợi nhuận mô hình tăng trên 2 triệu đồng/ha.
Tỉnh Long An cũng đã lên kế hoạch đưa các giải pháp kỹ thuật từ nền tảng mô hình canh tác lúa thông minh vào ứng dụng trong các chương trình, dự án phát triển sản xuất lúa của tỉnh trong thời gian tới. Cụ thể là dự án xây dựng vùng trồng lúa ứng dụng công nghệ cao từ 20.000ha lên 60.000ha đến năm 2025.
Dự kiến, trong giai đoạn mới 2022-2025 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục phối hợp các địa phương vùng ÐBSCL và các tổ chức, cá nhân trong chuỗi sản xuất lúa gạo để nhân rộng có hệ thống quy trình canh tác lúa thông minh. Xây dựng các chương trình, dự án để tiếp tục thực hiện các mô hình trình diễn, thử nghiệm để cải tiến quy trình trên cây lúa, cũng như mở rộng trên nhiều loại cây trồng khác tại ÐBSCL và trong cả nước. Ðẩy mạnh ứng dụng tự động hóa, cơ giới hóa, canh tác thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo nông sản an toàn.
Minh Long
Bình luận