Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ tư, 28/12/2022 04:12
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để góp phần hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hơn 1.900 doanh nghiệp phát thải nhà kính trên cả nước sẽ phải tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần cho năm 2024 trở đi.
Những năm gần đây trên thế giới và Việt Nam liên tục xuất hiện các hiện tượng thiên nhiên bất thường như hạn hán, lũ lụt, động đất… do biến đổi khí hậu làm hàng ngàn người chết và mất tích, thiệt hại vật chất không thể đong đếm được. Đây là một trong những vấn đề nghiêm trọng, thách thức lớn đối với toàn nhân loại.
Nguyên nhân chính được ghi nhận do lượng phát thải khí nhà kính không có xu hướng giảm trong những năm qua. Nếu tình trạng này còn gia tăng sẽ làm nặng nề thêm những thay đổi của khí hậu toàn cầu cũng như gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với tự nhiên và con người. Để giảm những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra, điều quan trọng phải giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là xu thế để hướng tới phát triển "xanh". Vì thế, trách nhiệm của cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu trên là vấn đề đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cùng thế giới chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có 03 Điều về ứng phó với biến đổi khí hậu giao Chính phủ quy định chi tiết, Đồng thời tại Nghị định 06/2022-NĐ-CP quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Theo đó, mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); Lộ trình chia theo 02 giai đoạn: Từ nay đến hết năm 2025 và từ năm 2026 đến hết năm 2030; Giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030 sẽ thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch.
Thời gian tới, hơn 1.900 doanh nghiệpsẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở
Để thực hiện các quy định trên, hơn 1.900 doanh nghiệp (thuộc các ngành công thương, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường) sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31/3/2023. Tiếp đó, các doanh nghiệp tổ chức thực hiện kiểm kê, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần cho năm 2024 trở đi gửi ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31/3/2025 để thẩm định; hoàn thiện báo cáo kết quả gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 1/12 của kỳ báo cáo bắt đầu từ năm 2025. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK giai đoạn 2026 – 2030.
Trong đó, 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê bao gồm: Năng lượng: Công nghiệp sản xuất năng lượng, Tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; khai thác than, dầu, khí tự nhiên; Giao thông vận tải: Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải; Xây dựng: tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng; Các quá trình công nghiệp: Sản xuất hóa chất; luyện kim; công nghiệp điện tử; sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-zôn; sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác.
Nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất: Chăn nuôi; lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; trồng trọt; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải khác trong nông nghiệp; Chất thải: Bãi chôn lấp chất thải rắn; xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; xử lý và xả thải nước thải.
Kiểm kê khí nhà kính là căn cứ để triển khai định giá carbon (bao gồm thuế carbon, thị trường carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon). Đến nay đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng định giá carbon với sự tham gia của hàng chục ngàn tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế tạo tín chỉ như cơ chế phát triển sạch (CDM), cơ chế tín chỉ chung (JCM) trong khuôn khổ hợp tác về tăng trưởng carbon thấp giữa Nhật Bản và Việt Nam. Đã có gần 300 chương trình, dự án CDM được Liên Hiệp Quốc cho đăng ký và triển khai tại Việt Nam, có 14 dự án theo cơ chế JCM hợp tác với Nhật Bản. Với riêng cơ chế JCM đã cấp tín 4.415 chỉ các-bon (tương đương với 4.415 tấn CO2 cắt giảm được so với lượng phát thải khí nhà kính khi chưa có dự án).
Nguyễn Mạnh
Bình luận