Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ hai, 29/08/2022 07:08
TMO - Trong giai đoạn 2021-2025, Lai Châu định hướng thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn áp dụng trong theo dõi mùa vụ, dịch hại cây trồng, dược liệu,... triệt để và hiệu quả.
Tỉnh Lai Châu có tổng diện tích đất tự nhiên trên 9.000 km2, trong đó các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: chè, lúa, cây ăn quả, cây dược liệu... Tuy nhiên, giá trị của từng mặt hàng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Vì vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sẽ góp phần nâng cao giá trị nông nghiệp, dược liệu tại địa phương.
Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã ban hành các nghị quyết về phát triển rừng bền vững và phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Lai Châu sẽ thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn áp dụng trong theo dõi mùa vụ, dịch hại cây trồng, theo dõi các hoạt động chăn nuôi, thủy sản; áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, blobalGap, hữu cơ; công nghệ chế biến bảo quản, đóng gói, bao bì; công nghệ xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp, xử lý môi trường trong sản xuất..
Mô hình trồng sâm tại huyện Phong Thổ, Lai Châu. Ảnh: DV
Trong đó, tập trung nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ xử lý chín quả bằng khí ethylene, dành cho các loại quả có đặc tính chín sau thu hoạch như chuối, bơ, xoài... Hệ thống thiết bị tạo khí ethylene từ cồn ethanol 95%, cho chất lượng chín đồng đều, có thể ứng dụng với quy mô 5-100 tấn nguyên liệu trong một chu kỳ xử lý từ 2-3 ngày.
Về giải pháp công nghệ sấy, các phương pháp như sấy lạnh bằng bơm nhiệt, công nghệ sấy thăng hoa và chiên chân không liên tục giúp bảo quản rau quả, thủy sản với quá trình giám sát tự động. Với dược liệu, các công nghệ như trích ly hỗ trợ sóng siêu âm được đưa vào ứng dụng, như chế biến trà linh chi túi lọc, cao linh chi...
Hiện nay, ngành nông nghiệp Lai Châu đã đưa nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất, tập huấn chuyển giao, ban hành các chính sách hỗ trợ.
Tuy nhiên, quy mô ngành nông nghiệp còn nhỏ; chuyển dịch cơ cấu ngành còn chậm; hạ tầng giao thông, điện, viễn thông phát triển chưa đồng bộ; trình độ lao động kỹ thuật, lao động phổ thông còn thiếu; doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp còn ít, quy mô nhỏ và siêu nhỏ; việc phổ biến công nghệ, kỹ thuật mới tới cộng đồng doanh nghiệp, người dân chưa nhiều; chính sách tín dụng khoa học công nghệ chưa đủ mạnh, khó thực hiện.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Lai Châu, việc phát triển ngành nông nghiệp, dược liệu theo định hướng cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu thế tất yếu. Qua đó giúp đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản; kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Thu Hoài
Bình luận