Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ tư, 21/12/2022 13:12
TMO - Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 có 98% dân số nông thôn (tăng 3% so hiện nay) được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; góp phần quan trọng cải thiện và nâng cao đời sống người dân nông thôn.
Theo số liệu của Bộ chỉ số theo dõi đánh giá chất lượng nước sạch, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có tổng cộng 254 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn, trong đó: các công trình đơn vị sự nghiệp quản lý 28 công trình; do UBND xã giao cho cộng đồng quản lý 217 công trình; do hợp tác xã quản lý 5 công trình; doanh nghiệp tư nhân quản lý 4 công trình. Việc quản lý vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đảm bảo mục tiêu đầu tư, hiệu quả và bền vững luôn là vấn đề khá nan giải, các đơn vị được giao quản lý cũng như các Sở, ngành rất quan tâm.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được trên 10 năm với nhiều kết quả quan trọng; tuy nhiên, trong 19 tiêu chí thì tiêu chí số 17 về môi trường là một tiêu chí rất khó đạt chuẩn, nhất là đảm bảo tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch. Vì vậy công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch trong xây dựng Nông thôn mới càng đặt ra yêu cầu cấp thiết cùng với việc hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia.
UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo đơn vị chức năng, địa phương đảm bảo vận hành hiệu quả các công trình nước sạch nông thôn
Trong những năm qua, tận dụng hiệu quả các nguồn lực từ nhiều Chương trình, nguồn vốn khác nhau như: Chương trình 134,135, 1592 kéo dài, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và từ các nguồn tài trợ từ các tổ chức nước ngoài. Nhiều công trình đã đưa vào vận hành, khai thác ổn định, cung cấp nước hiệu quả, được nhân dân đánh giá cao như các nhà máy máy cấp nước sinh hoạt ở các địa phương: Tức Tranh (Phú Lương); Sơn Cẩm (thành phố Thái Nguyên); Tiên Phong, Đông Cao (thành phố Phổ Yên)…
Tuy nhiên, nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ khá lâu, các hạng mục công trình dần xuống cấp không còn đáp ứng được mục tiêu cấp nước như ban đầu. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng suy giảm nguồn nước, nhất là vào mùa khô ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho các công trình kể cả nước mặt và nước ngầm. Nhiều công trình cấp nước tập trung giao cho UBND cấp xã quản lý chưa phát huy hiệu quả hoặc hoạt động kém do cán bộ quản lý vận hành còn hạn chế về chuyên môn kỹ thuật và năng lực quản lý. Nguồn vốn bố trí để duy tu, sửa chữa nâng cấp công trình còn hạn chế, chưa đáp ứng với điều kiện thực tế của cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: Với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025 sẽ đạt được mục tiêu là 98% số người dân ở khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung các nguồn lực để cho người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Để cải thiện và nâng cao đời sống người dân nông thôn, từ nay đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên đầu tư Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn với số vốn hơn 108 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa 23 công trình cấp nước, đưa tỷ lệ 98% dân số nông thôn (tăng 3% so hiện nay) được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Địa phương này phấn đấu đến năm 2025, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 98%
Cùng với việc thực hiện Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, tỉnh Thái Nguyên tiến hành rà soát tổng số 250 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó chỉ đạo chính quyền cơ sở khắc phục khó khăn, hạn chế về năng lực quản lý; tạo nguồn thu từ công trình cấp nước ở nông thôn để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình; tuyên truyền nâng cao ý thức bảo quản công trình và sử dụng nước nhằm phát huy giá trị của công trình đã được đầu tư.
Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân, trong những năm qua, Thái Nguyên đã tổ chức hoạt động truyền thông và tăng cường năng lực thuộc Dự án mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn. Đây là một trong những nội dung nằm trong Kế hoạch tăng cường năng lực, kế hoạch truyền thông cấp nước nông thôn, truyền thông thay đổi hành vi nhằm thực hiện Dự án “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn tỉnh Thái Nguyên” năm 2022 theo Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới tỉnh Thái Nguyên cần thực hiện đầy đủ các quy phạm pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh về quản lý, bảo vệ nguồn nước từ khâu sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng, để xác định trách nhiệm cụ thể, nhất là đơn vị sản xuất, kinh doanh nước sạch; đầu tư thêm trang thiết bị quan trắc, đánh giá các nguồn nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân về trách nhiệm tôn trọng pháp Luật Bảo vệ công trình cấp nước; đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền về pháp luật và quy trình quản lý vận hành, khai thác các nguồn nước; hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nước sạch.
Nguyễn Nam
Bình luận