Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ ba, 24/01/2023 06:01
TMO - Thời gian qua, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Yên được thẩm định Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật. Các chương trình, quy hoạch, kế hoạch được lồng ghép công tác bảo vệ môi trường vào trước khi phê duyệt thực hiện.
Nhằm triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới: Tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành hướng dẫn, đôn đốc các xã thực hiện các chỉ tiêu 17 về môi trường nhằm đạt được mục tiêu theo hướng dẫn của bộ tiêu chí môi trường.
Đến nay có 63/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 64/83 xã đạt tiêu chí môi trường, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, các sở, ban ngành đã lồng ghép hài hòa và hiệu quả các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch hành động của tỉnh Phú Yên thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (ban hành theo Quyết định số 1273/QĐ-UBND ngày 21/6/2018 của UBND tỉnh), lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tỉnh Phú Yên đến năm 2030.
Các nội dung bảo vệ môi trường được xây dựng, thẩm định, phê duyệt đồng thời với các nội dung của quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; bảo đảm tỷ lệ vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường phù hợp để thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong tổng vốn đầu tư của dự án phát triển. Thực hiện rà soát các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án hiện chưa đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Không đưa vào xây dựng, vận hành, khai thác các cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ được tỉnh Phú Yên ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội.
Đối với công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh năm 2022 là khoảng 672 tấn/ngày (thành phố Tuy Hòa khoảng 170 tấn/ngày, thị xã Sông Cầu khoảng 154 tấn/ngày, thị xã Đông Hòa 100 tấn/ngày, 06 huyện, thị còn lại khoảng 248 tấn/ngày), khối lượng được thu gom khoảng 485 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 76%. So với năm 2021, khối lượng chất thải được thu gom tăng 37 tấn, đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng môi trường, đặc biệt khu vực nông thôn.
Công tác xã hội hóa hoạt động thu gom rác thải được đẩy mạnh, số lượng tổ chức, cá nhân tham gia đã tăng lên đáng kể. Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, đốt. Toàn tỉnh hiện nay có 20 bãi chôn lấp chất thải tập trung, có 03 bãi chôn lấp hợp vệ sinh đang hoạt động (Bãi rác Thọ Vức, thành phố Tuy Hòa; Bãi rác thị xã Sông Cầu và Bãi rác thị xã Đông Hòa). Giai đoạn 2021-2022, số lượng và chất lượng bãi chôn lấp và phương pháp xử lý chưa có sự chuyển biến đáng kể.
Tổng lượng chất thải nguy hại y tế phát sinh khoảng 16.388 tấn/năm. Hiện nay, công trình xử lý chất thải y tế hợp vệ sinh đối với bệnh viện đa khoa các cấp, bệnh viện chuyên khoa đã được đầu tư và đi vào hoạt động. Đối với các cơ sở y tế nhỏ lẻ, trạm y tế cấp huyện,... được Sở Y tế hướng dẫn xử lý chung với lò đốt tại các bệnh viện hoặc xử lý tại chỗ. Đối với chất thải do y tế phát sinh từ dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân và khu vực cách ly đã được thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn theo quy định. Chất thải sau khi được phân loại, thu gom được xử lý bằng 2 phương pháp chính gồm xử lý bằng lò đốt chất thải y tế và hợp đồng với các đơn vị chức năng để thu gom.
Trong năm 2023, tỉnh Phú Yên dành 51,623 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường với mục tiêu triển khai các hoạt động bám sát theo Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Yên trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường. Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đoàn thể, doanh nghiệp và toàn cộng đồng về trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường.
Công tác xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp được UBND tỉnh quán triệt các đơn vị quyết liệt triển khai.
Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư và các khu vực bị ô nhiễm do chất thải rắn sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, do chất thải của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề, bệnh viện,... Quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải; phòng ngừa sự cố môi trường, phát sinh các điểm nóng về môi trường. Nhân rộng các mô hình, phong trào về phân loại, giảm thiểu rác thải trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, tiếp tục triển khai khai thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ hàng năm; tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo về môi trường hàng năm theo quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, bao gồm cả kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và trong cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường.
Rà soát, giám sát chặt chẽ các cơ sở có nguồn thải lớn phải thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục theo quy định. Tăng cường triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, dự án phục vụ cho công tác kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm như: Rà soát, trám lấp giếng không sử dụng; rà soát, cập nhật quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường; xây dựng dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Hòn Yến,...
Nguyễn Trang
Bình luận