Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 13:01
Thứ năm, 14/03/2024 08:03
TMO - Các đợt nắng nóng bùng phát, kéo dài, ô nhiễm không khí và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác gây tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người làm gia tăng tính dễ bị tổn thương, nhất là với người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, thần kinh, xương khớp, hô hấp, dị ứng.
Nông nghiệp và nguồn nước
Biến đổi khí hậu làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của một số loài sinh vật và ngược lại có thể làm phát sinh một số chủng, nòi sâu bệnh mới; ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của gia súc, gia cầm. Nước biển dâng làm mất hoặc thu hẹp diện tích đất canh tác nông nghiệp, tăng nguy cơ đất bị nhiễm mặn, dẫn đến giảm đất canh tác nông nghiệp, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, an ninh lương thực và an toàn thực phẩm. Ảnh hưởng đáng kể đến các hệ sinh thái rừng và lâm nghiệp, năng suất và mức độ phù hợp của rừng trồng. Nước biển dâng tác động đến hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Số liệu quan trắc những năm gần đây cho thấy dòng chảy tại các trạm thủy văn trên những lưu vực sông chính thấp hơn trung bình nhiều năm. Mực nước nhiều nơi đạt mức thấp nhất lịch sử đã gây thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân, mặn xâm nhập sâu vào vùng cửa sông. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, ở hầu hết các lưu vực sông dòng chảy mùa lũ có xu hướng tăng, lũ lớn và đặc biệt lớn xảy ra nhiều và nghiêm trọng hơn. Dòng chảy mùa khô giảm, hạn hán, thiếu nước xảy ra thường xuyên hơn, mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền.
(Ảnh minh họa)
Giao thông vận tải và Đô thị
Ngành đường bộ được xác định là chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, tiếp đó là đường sắt và đường thủy nội địa. Gia tăng lượng mưa sẽ làm cho 8,8% tổng chiều dài mạng lưới đường sắt có nguy cơ cao bị sạt lở, chủ yếu tập trung ở tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn miền Trung. Nếu mực nước biển dâng 100 cm thì có khoảng trên 4% hệ thống đường sắt, hơn 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ bị ảnh hưởng.
Nước biển dâng gây ngập các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, các đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung. Đặc biệt gây tràn hệ thống thoát nước đô thị làm gia tăng nguy cơ bệnh dịch trong cộng đồng. Ở nhiều nơi, nhà ở chưa đảm bảo an toàn trước thiên tai ngày càng tăng do biến đổi khí hậu. Các đô thị ở khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ và miền Trung thường bị ảnh hưởng của mưa lớn cực đoan, hoàn lưu sau bão gây lũ, lũ quét và sạt lở đất. Biến đổi khí hậu tác động tới nguồn cấp nước và hệ thống cấp nước bao gồm các công trình đầu mối và mạng lưới cấp nước, hạn chế tiếp cận nước sạch. Hạn hán, mưa lũ ảnh hưởng đến hệ thống cấp nước đô thị, trong khi năng lực thích ứng của hệ thống này phần lớn chỉ ở mức trung bình và thấp trước tác động biến đổi khí hậu.
Công nghiệp và Du lịch
Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp tới tài nguyên du lịch, hạ tầng du lịch và hoạt động lữ hành. Các công trình dịch vụ du lịch bị hư hỏng hoặc xuống cấp dưới tác động của bão, lũ. Bão, mưa, gió, nắng gắt hay nhiệt độ tăng cao cũng làm cho vật liệu kiến trúc nhanh xuống cấp, hư hỏng gây ảnh hưởng đến hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí. Biến đổi khí hậu còn tác động gián tiếp lên hoạt động du lịch qua các lĩnh vực khác như giao thông, năng lượng, quản lý nước, sử dụng đất cho dịch vụ du lịch…
Nhiệt độ tăng làm tăng tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp, tăng chi phí thông gió, làm mát hầm lò khai thác và làm giảm hiệu suất, sản lượng của các nhà máy điện. Mưa, bão và nước biển dâng tác động đến quá trình vận hành, hệ thống truyền tải và phân phối điện, dàn khoan, đường ống dẫn dầu và khí vào đất liền, cấp dầu vào tàu chuyên chở; làm gia tăng chi phí bảo dưỡng và sửa chữa các công trình năng lượng; ảnh hưởng tới việc cung cấp, tiêu thụ năng lượng. Mực nước biển dâng làm tăng nguy cơ ngập lụt các khu công nghiệp. Nếu mực nước biển dâng 100 cm, hầu hết các khu công nghiệp ven biển bị ngập ít nhất là 10% diện tích, cao nhất là ngập 67% diện tích.
Thương mại và Năng lượng
Biến đổi khí hậu tác động đến cơ sở hạ tầng thương mại, bao gồm việc gây ngập lụt cục bộ, ảnh hưởng đến bảo quản, lưu thông hàng hóa. Nước biển dâng tác động đến các khu vực cảng biển, cảng sông và các trung tâm thương mại và logistics ven biển. Các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia trên thế giới cũng có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực thương mại toàn cầu, khu vực và trong nước.
Nhiệt độ tăng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng do phải sử dụng thiết bị làm mát. Dự báo vào năm 2030, nhu cầu năng lượng sơ cấp tăng thêm khoảng 391,7 nghìn TOE, chiếm tỷ lệ 0,17% tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp năm 2030. Lượng mưa tăng có thể làm tăng sản lượng của các nhà máy thủy điện, trữ nước cho các hồ chứa. Chế độ mưa và dòng chảy bất thường ảnh hưởng đến khả năng cung ứng và kế hoạch sản xuất điện của các nhà máy thủy điện; gây thiệt hại, hư hỏng đến cơ sở hạ tầng cung ứng điện, gia tăng chi phí đầu tư mới, cải tạo, sửa chữa và nâng cấp thiết bị, mạng lưới phân phối điện... Nước biển dâng tác động tiêu cực đến các nhà máy điện, hệ thống truyền tải điện, trạm biến áp, hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu, hầm mỏ, bãi than và các cơ sở năng lượng khác ở vùng ven biển.
Sức khỏe cộng đồng và bình đẳng giới
nhiệt độ tăng, các đợt nắng nóng bùng phát, kéo dài, ô nhiễm không khí và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác gây tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người làm gia tăng tính dễ bị tổn thương, nhất là với người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, thần kinh, xương khớp, hô hấp, dị ứng. Theo thống kê khi nhiệt độ trung bình tăng thêm 1 độ C thì tỷ lệ nhập viện ở trẻ dưới 5 tuổi do các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp tăng 3,8%. Biến đổi khí hậu tạo thuận lợi cho vector truyền bệnh phát triển làm tăng khả năng bùng phát và lây lan các bệnh dịch như cúm A (H1N1, H5N1, H7N9), tiêu chảy, dịch tả, lỵ, sốt rét, sốt xuất huyết, sốt vàng da, thương hàn, viêm não do vi-rút, viêm não Nhật Bản, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), dịch hạch, zika.
Biến đổi khí hậu, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan gia tăng có những tác động khác nhau đối với nữ giới và nam giới. Trong khi nam giới có độ phơi bày trước hiểm hoạ cao hơn do họ tham gia vào các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, thì nữ giới thường có mức độ dễ bị tổn thương cao hơn liên quan đến sức khoẻ và các hoạt động kinh tế - xã hội. Một số ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sức khỏe của phụ nữ có thể kể đến như tăng tỷ lệ mắc bệnh tật và bệnh dịch, nhất là đối với phụ nữ đang mang thai, bé gái, phụ nữ đang mắc bệnh mạn tính và phụ nữ cao tuổi.
Trong đời sống kinh tế - xã hội, do thường có trình độ học vấn thấp hơn, khả năng tiếp cận với thông tin, kỹ thuật cũng như các nguồn tín dụng kém hơn so với nam giới, sinh kế của phụ nữ nông thôn phần lớn phụ thuộc vào các tài nguyên thiên nhiên có độ nhạy cảm cao nhưng lại có khả năng ứng phó thấp đối với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các hộ gia đình có phụ nữ làm chủ hộ. Bên cạnh đó, quyền quyết định của phụ nữ nông thôn trong gia đình và xã hội thường hạn chế hơn so với nam giới. Do vậy, họ không áp dụng được những kinh nghiệm và hiểu biết của mình như về cách lựa chọn giống và các kỹ thuật canh tác phù hợp với sự thay đổi của khí hậu vào sản xuất nông nghiệp.
HẢI YẾN
Bình luận