Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ sáu, 02/06/2023 08:06
TMO - Tỉnh Hậu Giang xác định, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Thời gian qua, địa phương này đang thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giúp nâng cao lợi ích của các bên tham gia chuỗi giá trị, nhất là đối với nông dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cho biết, toàn tỉnh có diện tích lúa cả năm hơn 188.350ha, sản lượng hơn 1.250 tấn/năm; hơn 45.000ha cây ăn quả, sản lượng đạt 540.000 tấn; diện tích nuôi thủy sản 2.156ha với sản lượng hơn 24.200 tấn. Với hơn 140 nghìn ha đất nông nghiệp; trong đó, có trên 2.586 ha đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; 117 vùng trồng được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích trên 1.860 ha, sản lượng trên 32.466 tấn.
Đến hết tháng 4/2023 tỉnh có 8 doanh nghiệp, 14 hợp tác xã liên kết sản xuất và bao tiêu lúa với diện tích 8.543 ha, sản lượng trên 42.506 tấn với 7.550 hộ tham gia. Đối với cây ăn trái, có 4 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã liên kết với diện tích 1.283 ha, sản lượng 8.209 tấn với 986 hộ.
Đối với thủy sản, tình hình tiêu thụ trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng sản xuất cung vượt cầu, phần lớn các loài thủy sản thương phẩm quan trọng, chủ lực có xu hướng tăng dần và đều cao hơn giá thành sản xuất, người nuôi có lợi nhuận khá. Toàn tỉnh đã có gần 103.450 tài khoản người bán đăng ký với hơn 1.500 sản phẩm, trong đó có 105 sản phẩm OCOP của tỉnh, được đưa lên sàn thương mại điện tử. Nông sản của tỉnh Hậu Giang bán trên sàn thương mại điện tử gần 20.700 đơn hàng với tổng doanh thu hơn 3,7 tỷ đồng…
Toàn tỉnh hiện có 14 hợp tác xã liên kết sản xuất và bao tiêu lúa với diện tích 8.543 ha.
Tiềm năng cung cấp hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh còn rất lớn, không chỉ đối với các thị trường truyền thống mà còn xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Tuy nhiên, tình trạng nông dân sản xuất và bán nông sản thông qua thương lái vẫn phổ biến, giá cả thường không ổn định, chi phí sản xuất ngày càng tăng do thiếu sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và HTX. Phần lớn nông dân sản xuất nhỏ lẻ, tự phát. Trừ cây lúa, việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất chưa đồng bộ.
Hiện nay, nhiều HTX vẫn hạn chế về quy mô, chưa chú ý nhãn mác, bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc ký kết bao tiêu sản phẩm giữa nông dân và các doanh nghiệp, HTX còn hạn chế. Hầu hết doanh nghiệp khi đến Hậu Giang chưa chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu hoặc tạo dựng vùng nguyên liệu ổn định, chủ yếu giao cho thương lái thu gom, mua hàng…
Thực tế này đòi hỏi Hậu Giang cần đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, giúp gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nông dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất với nông dân cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định.
Thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 Tỉnh tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ sản xuất theo kiểu mới, tập trung sản xuất, kinh doanh nhằm tập hợp nông dân sản xuất theo quy mô lớn; chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản; ứng dụng tiến bộ khoa học và chuyển đổi số, xây dựng nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản và phục vụ xuất khẩu.
Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ giúp nâng cao lợi ích của các bên tham gia chuỗi giá trị, nhất là đối với nông dân.
Cùng với đó, Hậu Giang tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu cánh đồng lớn, tham gia chuỗi giá trị sản xuất, nghiên cứu xây dựng thương hiệu giúp nông dân sản xuất hướng đến thị trường; đẩy mạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tại các cửa hàng thương mại dịch vụ có liên kết với sản xuất gắn với thực hiện chương trình OCOP…
Đồng thời, ngành nông nghiệp đang tập trung đầu tư cho 15 hợp tác xã, 3 liên hiệp hợp tác xã, xây dựng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Lập, phê duyệt dự án xây dựng mô hình cung ứng dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp. Trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, tiên tiến cho Tổ cung ứng dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Trong năm 2023, tỉnh Hậu Giang tiếp tục tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nhóm sản phẩm chủ lực, phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, đạt các tiêu chuẩn an toàn, thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc. Trong đó, sản xuất lúa với sản lượng 1,1 triệu tấn, cây ăn quả khoảng 585.000 tấn, nuôi thủy sản 9.100 ha, sản lượng 86.000 tấn. Duy trì đàn vật nuôi trên 4,5 triệu con, gồm gia cầm, thủy cầm, heo, trâu, bò, với sản lượng thịt hơi xuất chuồng 40.000 tấn.
Đồng thời, ưu tiên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ và chế biến, chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường. Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng mã số vùng sản xuất và truy xuất nguồn gốc nông sản.
Nguyễn Dung
Bình luận