Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ tư, 27/09/2023 13:09
TMO - Lễ nhảy lửa mang bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn tại xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tối 26/9, tại xã Hồng Quang, UBND huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) tổ chức lễ đón nhận Bằng ghi danh Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị các di sản.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Chứng nhận Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện lãnh đạo huyện Lâm Bình.
Người Pà Thẻn ở Tuyên Quang cư trú chủ yếu tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) và xã Linh Phú (Chiêm Hóa), với khoảng 700 nhân khẩu. Lễ nhảy lửa của đồng bào thường diễn ra vào lúc nông nhàn, khi mọi công việc đồng áng đã xong, vào khoảng ngày 16-10 âm lịch năm trước đến 16-1 âm lịch năm sau. Nghi lễ được tổ chức ở một khoảng sân rộng ở thôn và chia làm hai phần, cúng trước khi mặt trời lặn diễn ra khoảng 3 - 4 tiếng và nhảy lửa sau khi trời tối diễn ra trong khoảng 1 tiếng. Những người tham gia nhảy lửa sẽ thay nhau nhảy cùng đống than hồng, dùng cả tay và chân trần cho tới khi tàn lửa. Điều huyền bí của lễ nhảy lửa là các chàng trai Pà Thẻn đã dũng mãnh nhảy những bước chân trần trên than hồng mà không hề bị bỏng.
Trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn luôn có quan niệm xung quanh họ có các vị thần che chở, đùm bọc, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn để tồn tại và mưu sinh. Đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ, vì vậy khi Lễ Nhảy lửa diễn ra thì tất cả mọi người trong làng đều có mặt để hò reo cổ vũ.
Lễ nhảy lửa mang bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn.
Nghệ nhân Phù Văn Thành, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình), người tâm huyết trong thực hành, giữ gìn và trao truyền nét văn hóa đặc sắc Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn chia sẻ: Lễ nhảy lửa để tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân làng khỏe mạnh. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt cho các thế hệ người Pà Thẻn.
Người Pà Thẻn ở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) tuy số lượng không đông nhưng đã để lại những dấu ấn khó phai nhoà và rất đậm nét trong dòng chảy của văn hoá Việt Nam với lễ kéo chày, trang phục, âm nhạc truyền thống... Nhưng đặc sắc nhất và độc đáo nhất vẫn là tục nhảy lửa của đồng bào nơi đây. Không ai biết tục nhảy lửa của đồng bào có từ bao giờ nhưng nó đã tồn tại cho đến nay, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của người Pà Thẻn.
Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 425 di sản. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cũng tiến hành kiểm kê 40 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đầu tháng 6/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp chứng nhận 4 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh gồm: Lễ hội Đình Hồng Thái, xã Tân Trào (Sơn Dương); tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày xã Lăng Can, xã Hồng Quang, xã Khuôn Hà, xã Thượng Lâm, xã Phúc Yên (Lâm Bình); lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình); tri thức về cọn nước của người Tày xã Trung Hà, xã Hà Lang (Chiêm Hóa); xã Côn Lôn (Na Hang); xã Phúc Yên (Lâm Bình) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh lên 16 di sản. Trong số này, Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn lần thứ hai được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, dành cho cộng đồng người Pà Thẻn ở xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.
Được biết, huyện Lâm Bình là địa phương sớm nhất tỉnh Tuyên Quang tổ chức đón nhận bằng ghi danh vào ngày 26/9. Thời gian tới, để làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy bền vững giá trị di sản, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng cũng như sự chung tay của cả cộng đồng. Các di sản cần được quản lý và tổ chức tốt, đặc biệt cần tuyên truyền để người dân nhận thức rõ việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản sẽ đem lại lợi ích trong phát triển kinh tế; phát huy giá trị di sản cần gắn với nâng cao đời sống của người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tạ Thành
Bình luận