Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 15:11
Thứ năm, 27/06/2024 14:06
TMO - Trước diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai hiện nay, tỉnh Lào Cai đã tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong cảnh báo, dự báo sớm thiên tai nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản cho người dân trên địa bàn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Lào Cai, năm 2023 và quý I năm 2024, toàn tỉnh Lào Cai xảy ra 30 đợt thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; dông, lốc, mưa lũ, sạt lở đất đá làm 18 người chết, 1 người mất tích và 7 người bị thương; 659 nhà bị thiệt hại và ảnh hưởng.
Cùng với đó gần 12.500 ha lúa, ngô, hoa màu, rau màu, cây ăn quả, thủy sản, cây xanh bị thiệt hại; hơn 500 con gia súc, gia cầm bị chết; gần 150 công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng. Đặc biệt, mưa lũ đã làm sạt lở gần 1.000 vị trí trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã với hàng trăm nghìn m3 đất, đá. Ước tổng giá trị thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2023 và quý I/2024 là hơn 1.120 tỷ đồng.
Trước những thiệt hại như vậy đòi hỏi cần có những giải pháp nhằm hạn chế tối đa sự ảnh hưởng từ thiên tai. Do đó tỉnh Lào Cai đã tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong việc cảnh báo sớm các loại hình thiên tai nguy hiểm, nâng cao chất lượng dự báo. Lãnh đạo Đài Khí tượng - Thủy văn Lào Cai cho biết, trước đây, việc dự báo dựa trên phân tích các số liệu thu thập được từ khu vực lân cận, sau đó vẽ thủ công trên bản đồ, còn hiện nay, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, những người làm công tác khí tượng có thể khai thác số liệu từ các phần mềm chuyên ngành.
Công nghệ mới giúp các cán bộ dự báo có sự đánh giá tổng quan, nắm được hướng di chuyển của mưa, gió rõ ràng hơn, thời đoạn chi tiết hơn, cộng thêm những hiểu biết về đặc thù địa hình của địa phương cũng như kinh nghiệm thực tế mà công tác dự báo ngày càng được nâng cao chất lượng. Cụ thể, những năm qua, Lào Cai đã từng bước trang bị các thiết bị công nghệ cao, ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, góp phần quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó cũng như khắc phục hậu quả thiên tai.
Cùng với hơn 80 trạm đo mưa của Tổng cục Khí tượng - Thủy văn đầu tư, tỉnh Lào Cai đã huy động các nguồn lực, đầu tư hơn 50 trạm đo mưa tự động, các trạm quan trắc, cảnh báo sớm một số loại hình thiên tai nguy hiểm. Các trạm đo mưa được ứng dụng công nghệ cao đã tự động báo số liệu mưa, thời gian mưa và cập nhật số liệu lên trang web của ngành. Từ khi hoạt động đến nay, các trạm đo mưa tự động đã cung cấp số liệu kịp thời, phản ánh chính xác diễn biến, cường độ mưa của từng khu vực trên địa bàn tỉnh.
Cùng với các trạm đo mưa tự động, nhiều phương pháp cảnh báo lũ sớm được nghiên cứu, trong đó phương pháp sử dụng tư liệu viễn thám kết hợp công nghệ hệ thống thông tin địa lý GIS đã mang lại hiệu quả trong dự báo nguy cơ lũ ống, lũ quét. Số liệu được các cơ quan chuyên ngành, các địa phương khai thác để chủ động hơn trong việc sơ tán dân và triển khai các phương án ứng phó ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, an toàn hồ, đập...
Tỉnh Lào Cai tăng cường đầu tư các trạm đo mưa tự động góp phần dự báo, cập nhật chính xác lượng mưa, thời gian mưa trên địa bàn. (Ảnh: BLC).
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 4 trạm khí tượng - thủy văn thuộc Đài Khí tượng - Thủy văn Lào Cai (tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và huyện Bảo Yên) và 3 trạm khí tượng tổng hợp do tỉnh Lào Cai đầu tư (tại Bát Xát, Văn Bàn, Bắc Hà). Các trạm này đã thực hiện chức năng quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo những biến động về thời tiết, khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Việc đẩy mạnh áp dụng các công cụ, phần mềm tự động chuyên ngành, hệ thống ra-đa, ảnh vệ tinh, viễn thám, khai thác số liệu từ các khu vực lân cận, đo mây ước lượng được lượng mưa… ngành khí tượng có thể dự báo thời tiết với độ chính xác cao, dự báo được thời gian dài hơn với các mốc thời gian như 1 ngày - 3 ngày - 5 ngày - 10 ngày. Ngoài ra, với công nghệ mới, các loại hình thiên tai bất ngờ, thời hạn ngắn như dông, lốc, sét, mưa đá cũng có thể dự báo trước, dù đây là những loại hình thiên tai có ảnh hưởng trong phạm vi nhất định, mang tính cục bộ, nhất thời do tác động từ yếu tố địa hình bị chia cắt mạnh như Lào Cai.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống, cảnh báo sớm thiên tai ngày càng được các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai quan tâm và đầu tư. Do đó tại Kế hoạch Số 09/KH-UBND ngày 8/1//2024 về Triển khai thực hiện đề án “Hiện đại hoá ngành khí tượng thuỷ văn đến năm 2025 và thời kỳ 2026-2030” trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đặt ra nhiệm vụ và giải pháp đó là, phát triển công nghệ thông tin khí tượng thủy văn bao gồm hạ tầng số, dữ liệu số và nền tảng số; đảm bảo duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; an toàn thông tin đạt tối thiểu cấp độ 03; cung cấp dịch vụ công lĩnh vực khí tượng thủy văn đạt mức độ 04.
Đầu tư mở rộng các trạm thông tin vệ tinh mặt đất, thiết bị thông tin lưu động; vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo đa thiên tai, kết hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia. Hoàn thiện và vận hành hệ thống trạm quan trắc tài nguyên nước.
Thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực khí tượng thủy văn, xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu tích hợp trong hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành tài nguyên và môi trường. Đầu tư hệ thống thiết bị tiếp nhận, lưu trữ và quản lý dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn tự động, liên tục…Từ đó góp phần hỗ trợ công tác quản lý, xây dựng kế hoạch phòng chống, ứng phó với thiên tai kịp thời, hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, cơ sở hạ tầng do thiên tai.
Lê Bảo
Bình luận