Hotline: 0941068156

Thứ bảy, 23/11/2024 05:11

Tin nóng

Từ năm 2025 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới nhập khẩu

25 giải sẽ được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Việt Nam chia sẻ 3 bài học trong xóa đói giảm nghèo tại G20

Ứng Hoà (Hà Nội): Hai cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị G20

COP29: ‘Tài chính khí hậu là an ninh toàn cầu, không phải đi làm từ thiện’

COP29: Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7,0-7,5%

Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể cao nhất khu vực ASEAN +3

Bão giật cấp 17 có thể suy yếu khi gần bờ

Theo dõi chặt chẽ, triển khai các biện pháp ứng phó bão Yinxing

Tiểu vùng Mekong mở rộng: Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột

Bão giật cấp 17 sắp vào Biển Đông

Trong 10 tháng, thiên tai gây thiệt hại trên 78 nghìn tỷ đồng

Việt Nam – UAE: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa xã hội

Quảng Nam: Bão số 6 áp sát gây mưa lớn, gió giật cấp 10

Cảnh báo nguy cơ mưa lớn khu vực miền Trung do bão Trà Mi

Quảng Ngãi: Cấm biển từ 10h ngày hôm nay ứng phó bão Trà Mi

Theo dõi sát diễn biến của bão Trà Mi

Phấn đấu tăng trưởng GDP giai đoạn 2026-2030 bình quân khoảng 7,5-8,5%

Thứ bảy, 23/11/2024

Lâm Đồng chú trọng bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Thứ năm, 06/06/2024 14:06

TMO - Cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, những năm qua Lâm Đồng chú trọng phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, địa phương này đẩy mạnh thu gom rác thải nông nghiệp, phát triển nông nghiệp tuần hoàn với việc tái chế phụ phẩm nông nghiệp...

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 300.000 ha đất canh tác nông nghiệp. Trong đó, diện tích đất sản xuất cây hàng năm 122,3 nghìn ha (lúa 26,8 nghìn ha, ngô 8,3 nghìn ha, rau 70,05 nghìn ha, hoa 9,32 nghìn ha...); cây lâu năm 264,0 nghìn ha (174,1 nghìn ha cà phê; 12,1 nghìn ha chè; 26,2 nghìn ha điều; 24,5 nghìn ha cây ăn trái...). Trong những năm gần đây, nông nghiệp Lâm Đồng đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế chủ lực, chiếm 40,1% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 2.465 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phân bố ở hầu khắp các huyện, thành phố cung ứng cho nông dân đầy đủ các loại vật tư nông nghiệp có chất lượng, hiệu quả góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 300.000ha, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng hàng năm tại Lâm Đồng từ 3.500 - 4.000 tấn. Theo tính toán của ngành bảo vệ thực vật, với lượng thuốc trên, lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường hàng năm tại Lâm Đồng khoảng 250 - 300 tấn/năm. 

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, hiện nay tỷ lệ bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được thu gom xử lý đúng quy định trên địa bàn toàn tỉnh đạt trung bình 33%, tập trung chủ yếu tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đơn Dương, Lạc Dương và TP Đà Lạt, các địa phương còn lại tỷ lệ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom, xử lý khá thấp, dưới 5%. Đối với phụ phẩm cây trồng phát sinh từ quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản, tỷ lệ được thu gom, tái sử dụng đạt khoảng 75% đối với khâu trồng trọt và 30% đối với khâu sơ chế, chế biến, còn lại nông dân thải bỏ trên đồng ruộng, mương máng, ao, hồ hoặc chôn, đốt gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, bảo vệ môi trường xanh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, xuyên suốt được Hội đặt ra và liên tục động viên, hỗ trợ hội viên, nông dân tích cực thực hiện. Các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu, với những việc làm thiết thực, hiệu quả như tham gia Mô hình “Ngày Chủ nhật vì môi trường”, “Vườn xanh, vườn sạch, vườn không rác”, “Trồng và chăm sóc cây bóng mát đường quê”, “Thu gom rác bao bì, chai, lọ thuốc BVTV”, “Đổi bao bì thuốc BVTV sau sử dụng lấy quà tặng”, “Biến rác thành tiền”...  

Người dân Đà Lạt tham gia đổi bao bì thuốc BVTV sau khi thu gom trên đồng ruộng lấy quà tặng. 

Ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đang tăng cường công tác thanh kiểm tra việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV, phụ phẩm cây trồng tại các vùng sản xuất trọng điểm. Hướng dẫn, vận động nông dân ủ phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế chất thải, bảo vệ môi trường. Đồng thời, bố trí kinh phí để đầu tư, xây dựng kho lưu chứa, bể chứa bao gói thuốc BVTV đảm bảo số lượng, vật liệu, quy cách và thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại các cơ sở có đủ điều kiện tiêu hủy chất thải nguy hại, không để doanh nghiệp, nông dân tự ý chôn đốt bao gói thuốc BVTV hoặc thải bỏ xuống các mương máng, sông, suối, ao, hồ gây ô nhiễm.    

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, để nâng cao công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, đối với người dân: Cần nâng cao ý thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Hạn chế và không lạm dụng việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường, tăng cường sử dụng các sinh phẩm hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp có lợi cho sức khỏe con người. Mỗi người dân luôn ý thức thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để đúng nơi quy định, tránh tình trạng vứt bỏ bừa bãi tại các bờ ruộng, sông suối, ao hồ gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, không khí…

Đối với các cấp, các ngành: Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung, trong đó chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, hộ nông dân trong việc sử dụng và thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Phát động nhân dân định kỳ làm vệ sinh các tuyến đường thôn xóm, kênh rạch. Trong đó, giao cho các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, các thôn, nhóm, tổ… làm đầu mối để thực hiện.

Điều tra, đánh giá hiện trạng các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; xây dựng và duy trì hoạt động hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thống kê về rác thải nông nghiệp nông thôn, rác thải nguy hại từ vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật để các cấp, các ngành có cơ sở quản lý, chỉ đạo xây dựng kế hoạch bảo vệ các vùng canh tác và đề ra các giải pháp bảo vệ môi trường.

Xây dựng các bể thu gom rác tại đầu bờ khu vực ruộng canh tác, tạo thuận lợi cho người dân thu gom và để đúng nơi quy định. Xây dựng các kho lưu chứa để thu gom, vận chuyển về kho lưu chứa theo từng khu vực địa bàn tỉnh nhằm quản lý chất thải rắn nguy hại như vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải nguy hại vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo quy mô, công nghệ xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh tình trạng rác thải ùn ứ lâu ngày gây ô nhiễm cho khu vực lân cận.

Các địa phương đẩy mạnh tái chế phụ phẩm nông nghiệp, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, hạn chế các nguồn thải ra môi trường. Ảnh: MH. 

Theo ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn ở Lâm Đồng thực tế đã được triển khai từ nhiều năm trên địa bàn. Trong đó những trang trại hoạt động sản xuất nông nghiệp đáp ứng theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình sản xuất này trở thành đầu vào của quá trình sản xuất tiếp theo thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Qua đó khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu này một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng khảo sát cho thấy, sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn trong tỉnh đã được triển khai từ nhiều năm trước đây với các mô hình vườn - ao - chuồng trồng cà phê, cây ăn trái, lúa kết hợp chăn nuôi heo, bò, gà và thả cá; mô hình vườn - chuồng - biogas trồng cỏ, bắp, lúa, chăn nuôi bò sữa, bò thịt xử lý chất thải bằng công trình biogas; mô hình trồng rau, lúa với chăn nuôi gà, vịt, tôm, cá tại một số doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tập thể, nông hộ ở vùng nông nghiệp các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và TP Bảo Lộc… đã sử dụng hợp lý nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ, xử lý an toàn chất thải động vật, năng lượng tái tạo, sản xuất chất đốt phục vụ sinh hoạt từng hộ gia đình.

Thống kê của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng cho thấy, khối lượng phụ phẩm cây trồng phát sinh trên địa bàn khoảng 1,73 triệu tấn/năm, trong đó sản xuất nông nghiệp tuần hoàn mới xử lý khoảng 75,7%. Cụ thể 90% khối lượng phụ phẩm thu gom tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, cày vùi vào đất, làm chất phối trộn đệm lót sinh học, sử dụng giá thể, tủ gốc giữ ẩm cây trồng, ủ phân hữu cơ; còn lại 10% đốt hoặc thải bỏ trực tiếp tại ruộng vườn. Về chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn hàng năm thải ra khoảng 740.000 tấn chất thải rắn. Kết quả khoảng 77,6% khối lượng được tái tạo làm phân bón sản xuất nông nghiệp hoặc làm khí sinh học, thức ăn nuôi trùn quế; còn lại khoảng 22,4% khối lượng chưa được tận dụng.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tập trung nghiên cứu xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển nông nghiệp và bảo vệ rừng; nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu, chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường từ nguyên liệu địa phương, ứng dụng công nghệ sinh học trong trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản theo quy trình khép kín; công nghệ, tái chế, tái sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn tài nguyên phụ phẩm cây trồng và phân chuồng tươi từ chăn nuôi trên địa bàn…qua đó nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.

 

 

Lê Thơm 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline