Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ ba, 09/04/2024 15:04
TMO - Tỉnh Kon Tum xác định, tăng cường chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng để địa phương này quảng bá hình ảnh du lịch, qua đó thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ.
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 27 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh lam - thắng cảnh đã được các cấp xếp hạng là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Các di tích lịch sử, cách mạng đã được xếp hạng cấp quốc gia như: Di tích lịch sử Ngục Kon Tum (TP. Kon Tum), di tích lịch sử ngục Đăk Glei (huyện Đăk Glei); di tích lịch sử, danh thắng Măng Đen (huyện Kon Plông), di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (huyện Đăk Tô), di tích Chiến thắng Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) hiện đang được tôn tạo, bảo quản giúp nhiều cho du khách muốn tìm hiểu về chiến trường Tây Nguyên, về truyền thống đấu tranh, truyền thống văn hoá của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Trong định hướng chung của tỉnh Kon Tum, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn đang là hướng đi mới được kỳ vọng là sẽ tạo bước đột phá đối với ngành du lịch của địa phương. Thời gian tới, tỉnh Kon Tum gắn kết du lịch nông thôn với chuyển đổi số và hướng tới các mục tiêu phát triển điểm đến, sản phẩm du lịch chất lượng cao. Cụ thể, địa phương này sẽ lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông thôn, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch cộng đồng và du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn. Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã phục vụ cho việc quản lý, quảng bá và xúc tiến du lịch nông thôn.
Đồng thời đẩy mạnh xây dựng ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm du lịch nông thôn, tăng cường ứng dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) để từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ du lịch nông thôn an toàn, thuận tiện và thân thiện. Xây dựng phần mềm trợ lý ảo trả lời tự động du lịch Kon Tum (ứng dụng chatbot) tích hợp trang thông tin du lịch.
Chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng để Kon Tum quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương đến đông đảo du khách.
Tỉnh Kon Tum xác định nâng cấp cổng thông tin điện tử, dùng để giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, lợi thế, sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh; đăng tải, cập nhật tin tức sự kiện chủ yếu về lĩnh vực du lịch trong tỉnh và trong nước, cung cấp các thông tin cần thiết cho khách du lịch về các sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương; đăng tải các cơ chế, chính sách phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum,… là kênh liên kết, kết nối dưới góc độ quản lý nhà nước về xúc tiến, quảng bá du lịch Kon Tum với các địa phương trong cả nước; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến du lịch cho các tỉnh thành viên của các nhóm liên kết; Tự động hoá việc trả lời, tư vấn du khách về thông tin các địa điểm du lịch trên địa bàn.
Về điểm đến du lịch ở Nhà Thờ Gỗ, tỉnh sẽ thực hiện số hóa nhằm bảo tồn di tích, di sản và tối ưu hoá trải nghiệm của người dùng bằng cách cho phép du khách truy cập liên tục các dữ liệu để nắm bắt sản phẩm và dịch vụ. Triển khai các kios (màn hình tra cứu thông tin) tự động, giúp du khách tìm hiểu các thông tin các địa điểm du lịch tại địa phương.
Để tiếp tục phát huy những hiệu quả mà ngành du lịch đã thực hiện được, giai đoạn 2025-2030 tỉnh Kon Tum đặt ra những mục tiêu trong việc phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu đến năm 2030 có 07 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 70% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 70% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.
Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 70% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời tích hợp chung trong bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc. Củng cố và nâng cấp ít nhất 60% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn...”
Hiện nay, ngành Du lịch tỉnh đang từng bước tiếp cận với du lịch thông minh, đẩy mạnh công nghệ hóa, đa dạng các sản phẩm ứng dụng về du lịch. Thực hiện kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 2021- 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.
Nội dung tập huấn nhằm tập trung vào việc xây dựng các nền tảng số hỗ trợ du lịch như: Ứng dụng Du lịch Việt Nam- Vietnam Travel; Nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”; Hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; Hệ thống thẻ-vé điện tử; Thẻ du lịch thông minh; Hệ thống thuyết minh đa phương tiện (multimedia guide); Kênh truyền thông trên các nền tảng số. Đồng thời, thành lập trang website du lịch; xây dựng các tiện ích về bản đồ, tìm đường, giới thiệu quảng bá các điểm du lịch, vui chơi giải trí, ẩm thực, shopping, tích hợp vào trang website du lịch của tỉnh.
Các địa phương của tỉnh chú trọng đẩy mạnh triển khai thực hiện, chỉ đạo các đơn vị, hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động du lịch kết nối liên thông các hệ thống đã có với các nền tảng số được xây dựng. Qua đó, đưa sản phẩm du lịch lên các nền tảng số, giúp tăng cường tương tác với du khách để kịp thời nắm bắt nhu cầu, thị hiếu và xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.
Thành Phong
Bình luận