Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 02/02/2025 12:02
Thứ hai, 16/12/2024 06:12
TMO - Trong những năm gần đây, nhiều dự án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh được tỉnh Kon Tum triển khai đầu tư đúng mức, đến nay sâm Ngọc Linh đã được bảo tồn và hướng đến phát triển bền vững. Đặc biệt, mới đây tỉnh Kon Tum đã mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh, giúp người dân có nguồn thu ổn định từ loài dược liệu quý này.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, tính đến hết tháng 9/2024, diện tích sâm Ngọc Linh đã đạt 2.445,53/4.500ha, đạt 54,34% chỉ tiêu Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19.5.2022 của Tỉnh ủy Kon Tum. Ước thực hiện đến hết năm 2024 trồng mới 578ha đạt 115,6% kế hoạch, nâng diện tích sâm Ngọc Linh lên 3.000ha.
Dự kiến đến hết năm 2025, người dân, doanh nghiệp ở Kon Tum sẽ trồng được tổng diện tích 4.500ha sâm Ngọc Linh, đạt 100% mục tiêu Nghị quyết đề ra. Toàn tỉnh Kon Tum hiện có 3 địa phương trọng điểm về phát triển dược liệu là huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông. Đến nay, tại 3 địa phương này phát triển được 8.338ha dược liệu, chủ yếu là sâm Ngọc Linh và đảng sâm.
Trong đó, Tu Mơ Rông nhiều nhất với gần 3.959ha, tiếp đến là Đăk Glei gần 2.700ha và Kon Plông gần 1.679ha. Qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia.
Để tiếp tục phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh, mới đây UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 732/QĐ-UBND phê duyệt dự án khoa học công nghệ về mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Dự án này sẽ được thực hiện trong năm 2025, thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh.
UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức tuyển chọn các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện dự án đã được phê duyệt. Dự án có mục tiêu chung là xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn để đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Mục tiêu cụ thể là chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ tỉnh Kon Tum mở rộng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo quy định. Nội dung nghiên cứu là xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ trên địa bàn các xã Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Sao, Đăk Rơ Ông (thuộc huyện Tu Mơ Rông); Đăk Man (trừ các tiểu khu 16, 17, 18, 20, 22, 25 và một phần các tiểu khu 19, 21, 23, 24), xã Đăk Plô, Đăk Nhoong, Đăk Choong (trừ các tiểu khu 59, 60, 65 và một phần các tiểu khu 19, 21, 23, 24) thuộc huyện Đăk Glei); xã Đăk Tăng, Măng Bút (thuộc huyện Kon Plông) và Đăk Kôi (thuộc huyện Kon Rẫy).
Việc mở rộng phạm vị bảo hộ chỉ dẫn đại lý sâm Ngọc Linh mang lại nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân trồng sâm tại Kon Tum. (Ảnh minh hoạ).
Bên cạnh đó, xây dựng hồ sơ đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ tại Cục Sở hữu trí tuệ…Lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, các xã trên địa bàn huyện đã được cấp chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ là xã Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi và Tê Xăng. Nhờ được cấp chỉ dẫn địa lý, sâm Ngọc Linh trên địa bàn đã có thương hiệu, được người tiêu dùng tín nhiệm lựa chọn để sử dụng bồi dưỡng sức khỏe.
Những khu vực được cấp chỉ dẫn sâm củ nói trên hiện đang được đồng bào Xơ Đăng và doanh nghiệp cùng nhau liên kết trồng sâm Ngọc Linh, cùng hưởng lợi, làm giàu dưới tán rừng. Đồng bào Xơ Đăng đã trở thành tỷ phú nhờ sâm, có hộ có năm chỉ tính riêng tiền bán hạt sâm đã thu được 10 tỷ đồng. Ngoài 6 xã được cấp chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh nói trên, 4 xã đang được đưa vào nghiên cứu mở rộng cấp chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" là Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Sao, Đăk Rơ Ông cũng có tiềm năng, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để trồng sâm Ngọc Linh.
Đó là những khu rừng già, độ cao thích hợp, khí hậu lạnh. Thực tế tại 4 xã đưa vào danh sách nghiên cứu mở rộng trên, người dân cũng đã thử nghiệm trồng sâm Ngọc Linh và sâm sinh trưởng, phát triển rất tốt. Việc UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt dự án khoa học công nghệ về mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ là quyết định đúng, trúng, kịp thời nhằm xây dựng luận cứ vững chắc, làm căn cứ để mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh, giúp đồng bào Xơ Đăng thêm cơ hội làm giàu nhờ cây sâm Ngọc Linh.
Địa phương sẵn sàng hợp tác với các đơn vị được giao nghiên cứu để dự án sớm hoàn thành, giúp đồng bào làm giàu trên chính tài nguyên của mình. Định hướng phát triển của tỉnh Kon Tum đối với sâm Ngọc Linh đó là đến năm 2030: Tổng diện tích vùng trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha; trong đó diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha (100 triệu cây). Sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130.000 tấn, ngành dược liệu đóng góp khoảng 15% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh…Việc mở rộng chỉ dẫn địa lý là điều kiện quan trọng để bảo tồn và phát triển bền vững vùng trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Thuỳ Dương
Bình luận