Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 29/11/2024 05:11
Thứ bảy, 12/02/2022 19:02
TMO - Để góp phần ngăn chặn tình trạng làm giả dược liệu, các nhà khoa học trong nước đã xây dựng ngân hàng gien, quy trình thẩm định để xác định chính xác một số loài dược liệu dễ giả mạo, nhầm lẫn.
Tại Quảng Nam, thời gian gần đây khi sâm Ngọc Linh được nâng tầm giá trị thì việc buôn bán sản phẩm sâm Ngọc Linh giả đã xuất hiện, trong đó chủ yếu là đưa cây tam thất có hình thái gần giống sâm Ngọc Linh. Trước tình trạng trên, UBND huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều giải pháp để điều chỉnh lại hoạt động giao thương mặt hàng này trên địa bàn.
UBND huyện đã tổ chức phiên chợ sâm định kỳ hàng tháng tại trung tâm huyện. Tại đây, thành lập tổ kiểm định có nhiệm vụ quản lý, giám sát chặt chẽ nguồn sâm nguyên liệu đưa vào phiên chợ để cung cấp cho khách hàng, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cam kết không buôn bán sâm Ngọc Linh giả.
UBND huyện Nam Trà My tổ chức phiên chợ sâm định kỳ nhằm tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm này
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang đầu tư cho Trung tâm sâm Ngọc Linh Nam Trà My hệ thống máy kiểm tra nhận dạng sâm Ngọc Linh để kiểm định sâm thật, giả. Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh sâm Ngọc Linh giả vẫn diễn ra ở nhiều địa phương.
Theo Viện Dược liệu (Bộ Y tế), hằng năm, đơn vị tiến hành thẩm định hàng trăm mẫu dược liệu, trong đó phần lớn là sâm do một số doanh nghiệp kinh doanh dược liệu hay cá nhân đem đến thẩm định. Kết quả cho thấy, trong số này cũng có nhiều mẫu được xác định không phải là sâm Ngọc Linh, có mẫu là sâm Lai Châu và nhiều mẫu là tam thất hoang. Ngoài ra, có một số loài dược liệu có giá trị cao cũng sử dụng nhầm lẫn như ba kích, thạch hộc, cốt toái bổ, thiên niên kiện,...
Lực lượng chức năng huyện Nam Trà My kiểm định sâm Ngọc Linh
Với dược liệu dễ nhầm lẫn là sâm, hiện nay, các cán bộ của Khoa Tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu đã nghiên cứu và biên soạn tài liệu nhận dạng các loài thuộc chi Panax L., họ nhân sâm ở Việt Nam. Trong đó, đã giới thiệu các loài sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, sâm Langbiang, tam thất hoang, tam thất, nhân sâm.
Cùng với đó, Khoa Tài nguyên dược liệu đã triển khai kỹ thuật DNA barcode để xác định tính đúng của dược liệu. Hiện nay, các nhà khoa học của Viện Dược liệu đã xây dựng được quy trình giám định tính đúng, từ đó phát hiện các mẫu dược liệu giả mạo. DNA barcode là các trình tự nucleotid ngắn, ổn định trong hệ gien lục lạp của thực vật, được sử dụng hỗ trợ trong công tác giám định loài thực vật ở nhiều nước trên thế giới. Nhờ có kỹ thuật này, dược liệu đã qua sơ chế hay bị phân mảnh, không còn nguyên vẹn vẫn được nhận biết.
Các nhà khoa học cho rằng, việc triển khai các phương pháp nhằm góp phần nhận dạng, phân biệt các loài chính xác là sự cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn. Không chỉ đối với người tiêu dùng, cơ quan quản lý, mà rất quan trọng đối với các đơn vị trồng, phát triển dược liệu.
Nguyễn Ngọc
Bình luận