Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ năm, 07/11/2024 05:11
TMO - Với mục tiêu đạt được Thoả thuận toàn cầu về rác thải nhựa, Việt Nam cần khẳng định được vai trò của mình trong công cuộc chống ô nhiễm nhựa. Trong đó cần xem xét, chú trọng một số khuyến nghị, giải pháp để bảo vệ môi trường bền vững.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, thế giới thải ra hơn 300 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó 79% nằm ở các bãi rác hoặc ngoài môi trường tự nhiên, 12% bị đốt và chỉ có 9% được tái chế. Mỗi phút có khoảng 1 triệu chai nhựa và 5.000 tỷ túi ni-lông được tiêu thụ. Thực trạng đáng lo ngại này gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng nghiêm trọng, đe dọa môi trường sống của chính con người.
Còn tại Việt Nam, theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Trước thực trạng trên, Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, ô nhiễm nhựa là thách thức nghiêm trọng và cấp bách, đòi hỏi thế giới cần sớm thông qua một khuôn khổ pháp lý để giải quyết. Với vai trò là một bên tham gia Hội nghị Liên chính phủ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị nội dung tốt nhất cho cuộc đàm phán cuối cùng tại Busan, Hàn Quốc.
Cụ thể, từ ngày 24/11 đến ngày 1/12 tới đây, Hội nghị Liên chính phủ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, phiên thứ 5 (INC-5), sẽ diễn ra tại Busan (Hàn Quốc), hướng đến mục tiêu tham vấn và xây dựng phương án đàm phán, kịch bản của Việt Nam.
Việc đạt được một thoả thuận toàn cầu tại INC-5 được coi là kết quả rất tham vọng. Hiện nay, thế giới còn rất nhiều việc phải làm nhằm thu hẹp khác biệt, thậm chí là sự trái ngược trong quan điểm đàm phán của nhiều quốc gia, nhóm quốc gia, chẳng hạn như: sản xuất, cung ứng, các sản phẩm nhựa và hóa chất đáng quan ngại; cơ chế tài chính…
Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế nhấn mạnh, khi được thông qua và đi vào thực thi, Thoả thuận sẽ tạo ra những tác động sâu rộng tới mọi khía cạnh kinh tế - xã hội của Việt Nam và thế giới, thậm chí sẽ tạo ra cuộc cách mạng về kinh tế nhựa từ thiết kế sản phẩm đến sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ và tái chế các sản phẩm nhựa… Với mục tiêu trên, yêu cầu đặt ra với Việt Nam là cần khẩn trương chuẩn bị nội dung tốt nhất cho đoàn đàm phán Việt Nam tham dự Hội nghị INC-5, nhất là tập trung những nội dung tác động đến Việt Nam (bao gồm về chính sách pháp luật, những rào cản kỹ thuật - nếu có). Để sẵn sàng cho INC-5, có 8 nhóm khuyến nghị dành cho Việt Nam.
Đầu tiên, cần hướng tới một thỏa thuận phù hợp và bảo đảm lợi ích quốc gia. Trong đó, các bên tham gia đàm phán Hiệp định phải bảo đảm các nghĩa vụ phù hợp với các ưu tiên và lợi ích quốc gia của Việt Nam, như các cam kết hạn chế sản xuất nhựa nguyên sinh, kiểm soát các hóa chất đáng quan ngại, hoặc thiết lập các cơ chế thuế và phí hiệu quả.
Hiện nay ô nhiễm rác thải nhựa là tình trạng báo động trên toàn cầu. (Ảnh minh hoạ: Internet ).
Đặc biệt, các bên liên quan cần xem xét kỹ lưỡng những yếu tố được coi là không thể thương lượng đối với Việt Nam và những yếu tố có thể linh hoạt trong quá trình đàm phán. Thứ hai, cần đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường. Về vấn đề này, Việt Nam cần xem xét một số các biện pháp đang được đề xuất trong Hiệp định như lệnh cấm nhựa dùng một lần hoặc hạn chế sản xuất nhựa sẽ tác động đến nền kinh tế, xã hội và môi trường của chúng ta như thế nào.
Từ đó, đảm bảo sự sẵn sàng của các doanh nghiệp và các ngành sản xuất liên quan đến nhựa tại Việt Nam, đặc biệt là ngành sản xuất nhựa với trị giá 25 tỷ USD. Bên cạnh đó vận động hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Việt Nam nên vận động cho các điều khoản Thỏa thuận cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển. Điều này bao gồm hỗ trợ cho các đối tượng dễ bị tổn thương, như lực lượng phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và vừa, và các ngành công nghiệp phụ thuộc vào sản xuất nhựa.
Cuối cùng, Việt Nam cần chuẩn bị cho việc tuân thủ Thỏa thuận thông qua nội luật hóa điều ước quốc tế. Để đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế, Việt Nam cần có sự cân nhắc bắt đầu sửa đổi các điều luật liên quan trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thiết kế sản phẩm, kiểm soát hóa chất, quản lý chất thải, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cũng như các chính sách thuế và phí.
Đồng hành cùng Việt Nam từ những ngày đầu khi các cuộc đàm phán về thoả thuận nhựa toàn cầu được thực hiện, Lãnh đạo Chương trình Giảm thiểu Rác thải Nhựa của WWF-Việt Nam, cũng đề xuất 4 yếu tố then chốt cần được đưa vào đàm phán tại INC-5, bao gồm quy định loại bỏ nhựa gây hại, thiết kế sản phẩm bền vững, bảo đảm nguồn tài chính đủ mạnh. Cuối cùng là cơ chế linh hoạt và lâu dài. không chỉ có hiệu lực tức thì mà còn có khả năng đáp ứng các yêu cầu trong tương lai.
Tuy nhiên, chuyên gia về về rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn của Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) cho rằng, sẽ có một số tác động bất lợi nhất định đến nền công nghiệp nhựa trị giá hơn 20 tỷ USD của Việt Nam nếu Thỏa thuận thông qua các quy định về kiểm soát và loại bỏ hóa chất quan ngại trong sản xuất nhựa.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng về các giải pháp hóa chất và phụ gia thay thế, điều này sẽ dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến xuất khẩu, giảm thiểu tính cạnh tranh của các sản phẩm nhựa từ thị trường Việt Nam, thậm chí tác động đến việc làm của gần 300.000 lao động trong ngành nhựa.
Với tham vọng sẽ kết thúc tiến trình đàm phán văn kiện pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa, Phiên họp INC-5 được kỳ vọng sẽ đưa đến nhiều kịch bản khác nhau đối với tiến trình đàm phán hiện nay.
Thu Dung
Bình luận