Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Chủ nhật, 24/07/2022 15:07
TMO - Trong những năm gần đây, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam, đòi hỏi cần có những giải pháp cấp thiết nhằm xử lý hiệu quả lượng chất thải, giảm tác động tới môi trường.
Vừa qua, tại Đà Nẵng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp và hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt”.
Qua đó, nhằm đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và hộ gia đình trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
Hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý năm 2016 đạt 85,5%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40-55%. Cả nước có khoảng 35 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung tại các đô thị được đầu tư xây dựng và đi vào vận hành. Tổng công suất xử lý theo thiết kế khoảng 7.500 tấn/ngày. Số lượng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt khoảng 50 lò, đa số là các lò đốt cỡ nhỏ, công suất xử lý dưới 500kg/giờ.
Ngoài ra, cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt với tổng diện tích khoảng 4.900ha, trong đó chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Nhiều xã, đặc biệt các xã miền núi, chưa có các bãi rác tập trung, chủ yếu hình thành bãi rác tự phát. Hiện nay, các bãi chôn lấp đã quá tải, phát sinh ô nhiễm nặng nề, gây bức xúc trong nhân dân. Thực trạng trên đòi hỏi các ngành chức năng, các địa phương cần triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Trước sự gia tăng của chất thải rắn sinh hoạt, các địa phương cần tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia vào xử lý
Theo GS.TS. NGND Trần Hiếu Nhuệ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ngày 10/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (Nghị định 08) trong đó có quy định về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều rào cản đối với sự tham gia của doanh nghiệp và hộ gia đình như ngân sách dành cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn khó khăn ở nhiều địa phương, quy mô phát sinh chất thải rắn nhỏ trong khi việc liên kết vùng hạn chế, nên khó thu hút các doanh nghiệp tư nhân với công nghệ hiện đại. Việc tổ chức lựa chọn các doanh nghiêpj cung ứng dịch vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn chưa được công khai, minh bạch, tạo sự công bằng, bình đẳng.
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước cho bảo vệ môi trường mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu đầu tư, cùng những bất cập trong phân bổ nguồn vốn này giữa Trung ương và địa phương; nguồn thu chính là phí vệ sinh và ngân sách Nhà nước bù đắp nên việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế.
Tại Đà Nẵng, Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố cho biết, công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt khu vực nội thành chủ yếu được thực hiện theo 4 phương thức: thu gom bằng thùng rác đặt cố định trên đường phố (20,2%); thu gom bằng thùng rác đặt theo giờ (18,1%); thu gom bằng xe ba gác (52,6%); thu gom trực tiếp bằng xe cuốn ép (9,1%).
Rác thải thu gom được vận chuyển đến điểm tập kết hoặc trạm trung chuyển, sau đó vận chuyển đến bãi rác, thực hiện chôn lấp hợp vệ sinh. UBND thành phố đang kêu gọi đầu tư để đổi mới công nghệ xử lý rác thải; theo đó sử dụng công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng, với 2 nhà máy xử lý rác thải công suất 650 tấn/ngày đêm và 1.000 tấn/ngày đêm theo hình thức đối tác công tư PPP.
Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố cũng nhấn mạnh tới khó khăn hiện nay là các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sau xử lý đối với các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã có; tuy nhiên, việc hướng dẫn triển khai còn thiếu và chưa cụ thể, kịp thời nên khó thực thi trong thực tiễn, số dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt được vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi là rất ít.
Các cơ chế cụ thể về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt và kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn còn thiếu và chưa đồng bộ. Đối với rác thải nhựa, mặc dù đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để quản lý, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có các giải pháp hiệu quả trong việc kiểm soát, hạn chế, thu gom, tái chế và tái sử dụng
Để thúc đẩy doanh nghiệp và hộ gia đình tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Trần Hiếu Nhuệ cho rằng, trước hết, cần thay đổi nhận thức, tư duy về chất thải rắn.
Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt là nguồn tài nguyên tương lai có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn; nhà nước tạo điều kiện pháp lý rõ ràng, tôn trọng nguyên tắc thị trường minh bạch cho phép doanh nghiệp và hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thể thu được lợi ích kinh tế.
Đồng thời, đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý và minh bạch trong các quy định chính sách cụ thể về khuyến khích xã hội hóa theo nguyên lý “các bên cùng thắng”, theo đó mức lợi nhuận đủ hấp dẫn đầu tư tư nhân và đạt được mục tiêu quản lý một cách hiệu quả. Ngoài ra, cần dành một khoản ngân sách cho đầu tư ban đầu đủ hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị ở nhiều địa phương.
Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích hợp tác công-tư trong xử lý chất thải rắn góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử lý, bảo vệ môi trường
Bàn về giải pháp xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn, GS. TS. Bùi Văn Ga, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đề xuất hệ thống năng lượng tái tạo hybrid phối hợp năng lượng mặt trời và năng lượng thu hồi từ rác thải ở nông thôn.
Theo đó, các chất thải rắn khó phân hủy trong sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn được chế biến thành viên nén nhiên liệu RDF. Từ đó, RDF được chuyển thành khí tổng hợp syngas qua lò khí hóa. Các chất thải hữu cơ dễ phân hủy được sử dụng để sản xuất biogas.
Ngoài ra, các ý kiến cho rằng, để mô hình phân loại rác thải tại cộng đồng được bền vững, cần có nguồn kinh phí hỗ trợ cho những người thực hiện trực tiếp công tác vận động, thu gom, hướng dẫn thu gom, phân loại rác thải tại khu dân cư cũng như có cơ chế cho khu dân cư hoạt động.
Đồng thời, trang bị các phương tiện thu gom như xe đẩy, thùng thu gom để các Hội đoàn thể tại địa phương tổ chức thu gom được thuận tiện hơn nhằm giảm bớt áp lực cho đội ngũ trong quá trình vận chuyển thu gom rá; chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện công tác thu gom tại khu dân cư, đồng thời xây dựng bộ tài liệu dễ hiểu nhất dành cho các hội đoàn thể tại khu dân cư để làm tốt công tác tuyên truyền.
Hồng Anh
Bình luận