Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Chủ nhật, 25/06/2023 06:06
TMO - Xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là khâu đột phá về kinh tế của tỉnh, Lâm Đồng đặt mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh đi đầu cả nước về NNCNC, nông nghiệp thông minh và phát triển mạnh lực lượng sản xuất trong nông nghiệp.
Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được trên 65 nghìn ha (hơn 25.830 ha rau, 3.035 ha hoa, 3.559 ha chè, 20.404 ha cà phê, 5.045 ha lúa, 6.885 ha cây ăn quả, 167 ha cây dược liệu, 20 ha nấm và 363 ha cây trồng khác…) NNCNC, chiếm 21,8% diện tích đất canh tác, trong đó có 450 ha ứng dụng công nghệ thông minh.
Bên cạnh NNCNC, nông nghiệp thông minh (NNTM) đã có những bước phát triển mạnh mẽ về quy mô cây trồng, vật nuôi giúp người sản xuất thiết lập dữ liệu trên phần mềm điện tử đối với các yếu tố vi khí hậu, môi trường, dinh dưỡng của cây trồng, chip điện tử theo dõi sức khỏe vật nuôi…; đồng thời giám sát và điều khiển bằng hệ thống cảm biến IoT. Ứng dụng NNTM giúp cây trồng, vật nuôi sinh trưởng tối ưu cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh tế, góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp của tỉnh.
Hiệu quả ứng dụng công nghệ IoT giúp người sản xuất giảm 10 – 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; giảm 30-50% lượng nước tưới và nhân công lao động cho các trang trại. Việc áp dụng NNTM trong sơ chế, chế biến đã giúp tăng hiệu suất và đồng thời giảm chi phí thuê nhân công, chất lượng nông sản tốt hơn so với phân loại thủ công. Trong chăn nuôi, các doanh nghiệp lớn sử dụng máy liên hợp, phối trộn khẩu phần thức ăn hoàn chỉnh theo phương pháp TMR (Total mixing rotation); sử dụng robot đẩy thức ăn tự động tại các trại chăn nuôi bò sữa
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là tỉnh tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao từ rất sớm, cách đây 19 năm. Song song với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Lâm Đồng tiến hành nông nghiệp thông minh và là tỉnh tiên phong phát triển nông nghiệp hữu cơ, qua đó đạt rất nhiều thành tựu. Những thành tựu đó tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ và sự đóng góp rất lớn của đội ngũ các nhà khoa học.
Lâm Đồng là địa phương có nhiều nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhất cả nước với đa dạng các loại nông sản như lúa, chè, cà phê, cây ăn trái (sầu riêng, bơ 034), dâu tằm chiếm tỉ lệ 73% toàn quốc, cà phê diện tích lớn thứ hai nhưng năng suất đứng đầu cả nước (vượt Đắk Lắk) và rất nhiều loại cây dược liệu. Cần nghiên cứu về 2 lĩnh vực rau và hoa, chủ động nghiên cứu về giống, từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc vào giống ngoại nhập; đi sâu nghiên cứu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; cần tập trung nghiên cứu những cái mới mà thế giới đang quan tâm như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh; nghiên cứu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển du lịch, tạo ra nông nghiệp có giá trị cao và đa chức năng như du lịch canh nông. Nghiên cứu đột phá về chuyển giao, biến nghiên cứu thành thương mại, hình thành các doanh nghiệp cứu khoa học công nghệ ngay trong các viện nghiên cứu, trường đại học. Duy trì khẳng định vị trí là trung tâm về nhân giống invitro với 70 triệu cây giống/năm.
Tỉnh Lâm Đồng hướng đến mục tiêu phát triển đồng thời nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Thời gian tới, Lâm Đồng sẽ chú trọng phát triển diện tích NNCNC theo hướng hiện đại, đa chức năng, có chất lượng cao gắn với thương hiệu: đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 72.700 ha ứng dụng công nghệ cao; trong đó có 1.000 ha ứng dụng NNTM. Thứ 2 là hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp NNCNC, thông minh:phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 20 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được UBND tỉnh công nhận; trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh. Thứ 3 là công nhận vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, vùng NNCNC kiểu mẫu. Thứ 4 là triển khai thực hiện các đề án, chương trình để phát triển nông nghiệp bền vững, thúc đẩy phát triển NNCNC, NNTM và nông nghiệp hữu cơ như Đề án phát triển vùng sản xuất và chế biến gắn với tiêu thụ dược liệu bền vững giai đoạn 2020 – 2025.
Để thực hiện tốt chủ trương phát triển NNCNC giai đoạn 2020-2025, Lâm Đồng xác định "Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp phát triển toàn diện và hiện đại; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế”. Để thực hiện mục tiêu này, Lâm Đồng đã đề ra một số giải pháp, như: Huy động đa dạng hóa nguồn vốn cho phát triển NNCNC, bao gồm: nguồn vốn nhà nước đầu tư; nguồn vốn trong dân cư; nguồn vốn tín dụng hỗ trợ; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là từ các nước có nền NNCNC như: Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Israel...
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Triển khai tốt các chương trình, đề án về khoa học, công nghệ về nông nghiệp. Tăng cường hình thức đặt hàng cho các viện, trường về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Triển khai thực hiện ưu đãi theo quy định của Luật Công nghệ cao đối với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Thúc đẩy phát triển thị trường nông sản, thị trường công nghệ cao. Phát triển chuỗi giá trị thương hiệu nông sản công nghệ cao và giá trị gia tăng ngay từ khâu thu hoạch. Đẩy mạnh sự liên kết giữa sản xuất - cung ứng - tiêu thụ. Từng bước hình thành sàn giao dịch công nghệ cao trong nông nghiệp; Xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ cao trong nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cao, đầu tư, xuất khẩu nông sản công nghệ cao. Chính phủ và tỉnh Lâm Đồng cần tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục pháp lý cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, hội, hiệp hội quốc tế và các tổ chức khác về phát triển NNCNC.
Thu Hà
Bình luận