Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ hai, 18/04/2022 19:04
TMO - Tuyên Quang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, thời gian qua hoạt động khoa học công nghệ được địa phương này tổ chức thực hiện, tạo ra những chuyển biến từ khâu giống cây trồng, vật nuôi, góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Những năm qua, tỉnh đã nghiên cứu, tuyển chọn và nhân giống thành công hai dòng keo lai 102 và BV342 chu kỳ chỉ 5 năm, sinh khối lớn, cho sản lượng gỗ nhiều hơn cây keo đại trà tới 25%. Đồng thời, ứng dụng biện pháp kỹ thuật, chuyển đổi rừng nguyên liệu thành rừng sản xuất gỗ lớn, phục vụ công nghiệp chế biến, góp phần đưa giá trị kinh tế rừng trồng tăng trên 30% so với cách làm truyền thống.
Nhằm phát huy giá trị đối với mặt hàng nông sản chủ lực, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với UBND huyện Hàm Yên triển khai thành công đề tài: Nghiên cứu chọn lọc một số giống cam mới, thu hoạch rải vụ có năng suất và chất lượng cao, trong đó xây dựng mô hình trồng thâm canh 5 giống cam mới.
Đồng thời, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thâm canh các giống cam mới. Hiện nay, tại huyện Hàm Yên, các giống này đang được nhân rộng, với diện tích cam CS1 (nhóm chín sớm) là 20 ha, cam CT36 (nhóm chín trung bình) 4 ha, và cam V2 (nhóm chín muộn) 301 ha.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Tuyên Quang có nhiều bước tiến mạnh mẽ
Chính từ áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, dự án trồng thử nghiệm giống chè đặc sản Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên tại thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái, huyện Na Hang cũng mang lại thành công lớn. Tại năm thứ 3, giống chè Phúc Vân Tiên đã cho năng suất trung bình đạt 3,3 tấn chè búp tươi/ha; giống chè Phúc Vân Tiên đã cho năng suất trung bình đạt 3,3 tấn chè búp tươi/ha;
Ngành khoa học và công nghệ tỉnh đã phối hợp cùng ngành nông nghiệp phục tráng nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị như giống lạc L14, lợn đen địa phương, cá anh vũ, cá chiên trâu ngố Tuyên Quang… Một số đề tài ứng dụng cây trồng mới vào sản xuất, tiêu biểu là trồng thử nghiệm cây mắc-ca tại huyện Yên Sơn và huyện Lâm Bình; trồng cây măng tây nhập ngoại tại phường Ỷ La (thành phố Tuyên Quang)…
Khoa học và công nghệ được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản và dịch vụ trên thị trường. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học trong thời gian qua được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.
Đặng Hải
Bình luận