Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/04/2025 02:04
Chủ nhật, 13/04/2025 06:04
TMO - Hiện nay, tỉnh Thái Bình đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Từ việc cơ giới hóa đồng ruộng, ứng dụng công nghệ sinh học, xây dựng các mô hình tiên tiến…, góp phần nâng cao giá trị nông sản, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại.
Trong những năm qua, Thái Bình đã thực hiện quyết liệt chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lấy ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực cốt lõi. Tỉnh đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, từ làm đất, gieo cấy, chăm sóc đến thu hoạch.
Tính đến tháng 2/2025, 100% diện tích cấy lúa vụ Xuân năm nay của tỉnh đã được cơ giới hóa trong khâu làm đất và trên 35% diện tích lúa được cấy bằng máy - đây là bước tiến quan trọng giúp giảm công lao động, tối ưu hóa chi phí sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Với mục tiêu chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tỉnh đã và đang triển khai nhiều mô hình ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Trong gieo cấy lúa, mô hình gieo mạ khay, cấy bằng máy được xem là một trong những giải pháp giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Đáng chú ý, ứng dụng KHCN nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là việc khảo nghiệm, tuyển chọn nhiều giống cây trồng mới có giá trị cao; tiếp tục nghiên cứu quy trình sản xuất giống, nuôi thương phẩm một số đối tượng nuôi mới như giống tôm chân trắng chất lượng cao và nuôi tôm thâm canh sử dụng các chế phẩm sinh học; tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Mật ong rừng sú vẹt Thái Bình”...
Thông qua việc triển khai thực hiện các đề tài, nhiều người dân được tập huấn kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời nhiều cuộc hội thảo khoa học được tổ chức nhằm ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu của các đề tài.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về KHCN đã đạt được những kết quả thiết thực; hệ thống đổi mới sáng tạo được hình thành, phát triển theo hướng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Đến nay đã có 90% đề tài KHCN được ứng dụng vào thực tiễn.
Cơ giới hoá nông nghiệp giúp người dân giảm chi phí, tiết kiệm sức lao động.
Ngoài ra, việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm KHCN, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh trên sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình được đẩy mạnh. Riêng với đề án “Phát triển KHCN tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, tính đến hết năm 2024 đã hoàn thành 85 - 90% mục tiêu đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế: Một số sản phẩm KHCN chưa được nhân rộng trong sản xuất và đời sống; thị trường KHCN chưa tạo được sự bứt phá; số lượng doanh nghiệp KHCN của tỉnh còn thấp; các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển KHCN còn thiếu đồng bộ, linh hoạt...
Nghị quyết số 57-NQ/ TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia khẳng định: Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cụ thể hóa Nghị quyết số 57- NQ/TW, ngày 12/2/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Chương trình hành động số 41-CTr/TU; ngày 13/2/2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, phù hợp với thực tiễn Thái Bình.
Để đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW vào cuộc sống, trên cơ sở bám sát 9 nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chương trình hành động số 41-CTr/TU và Kế hoạch số 26/KH-UBND, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, đề tài, mô hình, nhiệm vụ KHCN, ưu tiên vào các lĩnh vực: y dược, giống cây trồng và thủy sản; làng nghề truyền thống; công nghiệp phụ trợ; phát triển đô thị thông minh.
Tăng cường kết nối với các viện nghiên cứu, các trường đại học đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào thực tế tại địa phương. Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ KHCN tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Với hướng đi bài bản và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, ngành nông nghiệp Thái Bình đang từng bước chuyển mình từ nền sản xuất truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại, thông minh, hiệu quả và bền vững, hướng tới là địa phương có nhiều mô hình mẫu về nông nghiệp trong khu vực Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước.
Trọng Nghĩa
Bình luận