Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Chủ nhật, 09/07/2023 07:07
TMO - Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, với việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, lúa, cây ăn quả và phương pháp canh tác, nuôi trồng mới...
Bộ NN&PTNT khẳng định, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo góp phần hoàn thiện hệ thống canh tác bền vững, góp phần quan trọng tăng trưởng, thúc đẩy cơ cấu lại ngành. Đặc biệt, trong lĩnh vực trồng trọt, việc ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ đã giúp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo giống, tăng cường quy trình sản xuất tiên tiến và áp dụng biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, quản lý tính kháng thuốc, quản lý dịch hại tổng hợp.
Nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN, gấp 1,5 lần Thái Lan; cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Brazil; năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Ấn Độ; cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới...
Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ; tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ; đặc biệt là coi trọng phát triển nguồn nhân lực, hội nhập và hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước; đổi mới về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động và chính sách phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ.
Bộ NN&PTNT khẳng định, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo góp phần hoàn thiện hệ thống canh tác bền vững, góp phần quan trọng tăng trưởng, thúc đẩy cơ cấu lại ngành.
Xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất vào tăng trưởng ngành Nông nghiệp ở mức hơn 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt hơn 40%...
Bộ NN&PTNT đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo các ngành, lĩnh vực. Cụ thể, đối với lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật: Nghiên cứu, chọn tạo và phát triển các giống lúa mới có năng suất, chất lượng dinh dưỡng cao, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận, sử dụng tiết kiệm nước và phân bón, đáp ứng các yêu cầu canh tác giảm phát thải khí nhà kính.
Xây dựng và hoàn thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, sản xuất hữu cơ, tuần hoàn gắn với chuỗi giá trị cho các đối tượng cây trồng chủ lực nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Nghiên cứu, chuyển giao vào sản xuất các loại phân bón công nghệ cao, chế phẩm sinh học, tác nhân phòng trừ sinh học, KIT chẩn đoán bệnh, phát hiện dư lượng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật để sử dụng trong trồng trọt, bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm và môi trường nông nghiệp.
Lĩnh vực chăn nuôi, thú y chú trọng đến nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện chăn nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao. Phục tráng và phát triển một số giống vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế và lợi thế cạnh tranh cao gắn với vùng sinh thái và chỉ dẫn địa lý. Nghiên cứu sản xuất các loại thuốc thú y từ dược liệu, các loại thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung công nghệ cao, chế phẩm sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm phát thải khí nhà kính từ quá trình lên men tiêu hóa của gia súc nhai lại, thay thế kháng sinh trong chăn nuôi.
Nghiên cứu phát triển công nghệ tạo nguồn đạm thay thế dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ gen để phát triển các loại vắc xin thế hệ mới, cải tiến các vắc xin cũ bằng phương pháp sinh học phân tử; các chế phẩm chẩn đoán, xét nghiệm bệnh trên động vật; các KIT phát hiện nhanh chất cấm, tồn dư hóc môn, kháng sinh, vi sinh vật ô nhiễm thực phẩm phục vụ giám sát an toàn thực phẩm.
Đối với lĩnh vực thủy sản, ngành nông nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu các loại giống thủy sản có khả năng sinh trưởng nhanh, kháng bệnh và chống chịu tốt với điều kiện môi trường bất lợi, đáp ứng điều kiện nuôi công nghiệp. Nghiên cứu và phát triển công nghệ nuôi tiên tiến, ứng dụng công nghệ số, nhằm sử dụng tiết kiệm nước và thức ăn, đảm bảo môi trường bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản, đảm bảo sản phẩm an toàn thực phẩm, giảm phát thải khí nhà kính.
Trong lâm nghiệp, ngành sẽ tập trung nghiên cứu chọn, tạo và chuyển giao các giống cây trồng lâm nghiệp chủ lực để trồng rừng gỗ lớn; cây trồng rừng phòng hộ; cây lâm sản ngoài gỗ có năng suất, chất lượng và lợi thế cạnh tranh cao ở một số vùng kinh tế lâm nghiệp trọng điểm. Nghiên cứu phát triển hệ thống nông lâm kết hợp, cây trồng phân tán để cung cấp nông, lâm sản theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng sinh thái kết hợp tạo cảnh quan và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ viễn thám trong điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng; dự báo và cảnh báo sinh vật hại rừng, cháy rừng; quản lý sử dụng đất lâm nghiệp và rừng, quản lý kinh doanh lâm sản.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai nghiên cứu, phát triển các công nghệ sinh học thế hệ mới, công nghệ chỉnh sửa gen; tiếp cận và làm chủ công nghệ tạo các chế phẩm sinh học (sản phẩm phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học, chế phẩm bảo quản, xử lý môi trường, vắc-xin thế hệ mới, KIT thử...) trong trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tiến tới thay thế một phần các sản phẩm nguồn gốc hóa học.
Đẩy mạnh xây dựng và phát triển công nghiệp sinh học trong nông nghiệp, ưu tiên nhóm sản phẩm giống cây trồng, vật nuôi, quy trình công nghệ nhân nuôi cấy mô tế bào, chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh phát thải thấp, chế phẩm chẩn đoán, vắc xin phòng trị bệnh. Đến năm 2025, phát triển, tăng tối thiểu 20% số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học nông nghiệp; đến năm 2030, phát triển, tăng tối thiểu 30% số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học nông nghiệp so với giai đoạn 2021-2025.
Phát triển và làm chủ được một số công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao quy mô hàng hóa. Tạo ra và đưa vào sản xuất được ít nhất 8-10 giống cây trồng vật nuôi chủ lực có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu vượt trội; 8-10 quy trình công nghệ tiên tiến; 8-10 chế phẩm sinh học, vật tư, máy móc, thiết bị mới phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nghiên cứu ứng dụng, xây dựng các công cụ phục vụ chuyển đổi số, số hóa, tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa tạo lập cơ sở dữ liệu lớn của ngành nông nghiệp, tập trung vào đất nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của Bộ và các đơn vị, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp...
Lê Dương
Bình luận