Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 06/10/2024 20:10
Thứ hai, 03/07/2023 04:07
TMO - Tỉnh Lâm Đồng đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới cách thức huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực đầu vào theo hướng hợp lý, hiệu quả. Đồng thời, tập trung đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến quy trình tổ chức sản xuất nhằm phát huy hiệu quả cao nhất các nhân tố đầu vào sản xuất, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.
Tỉnh Lâm Đồng hướng tới mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân 4 - 4,5%/năm (giai đoạn 2021-2025 là 4,5 - 5%); Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 32,06% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cơ cấu khu vực nông lâm nghiệp thủy sản: nông nghiệp 97-98%; lâm nghiệp 1,0-1,5%; thủy sản 1,0-1,5% (trong đó, cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp: trồng trọt 75-78%, chăn nuôi 18-20%, dịch vụ 4-5%). Tỷ trọng kinh tế số trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 20%; Tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu làm đất, chế biến thức ăn chăn nuôi, chăm sóc, quản lý nuôi dưỡng đạt trên 95%; khâu thu hoạch sản phẩm trồng trọt đạt trên 75%...
Đối với chỉ tiêu môi trường trong phát triển ngành nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng nỗ lực giảm trên 10% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2021. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định trên 55%; khai thác bền vững các giá trị tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, thời gian tới tỉnh Lâm Đồng thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng theo chiều sâu một cách toàn diện, trong đó trọng tâm là ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới phương thức quản lý tổ chức sản xuất để tăng năng suất lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao, bền vững.
Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, là động lực chính để nâng cao chất lượng tăng trưởng ngành: Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi khâu, mọi lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp, nhất là công nghệ gen, công nghệ sinh học, công nghệ số trong sản xuất, quản lý sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Đổi mới và nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao của các tổ chức khoa học công nghệ trong và ngoài tỉnh. Phấn đấu tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiết bộ kỹ thuật, được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90% vào năm 2030.
Tăng cường liên kết, hợp tác với các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, doanh nghiệp để thực hiện nghiên cứu chung với các đối tác sở hữu công nghệ nguồn, mở rộng hợp tác công nghệ với các nước tiên tiến trong các lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, công nghiệp chế tạo trang thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; đặc biệt, phát triển mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống rau, hoa; phấn đấu đưa thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu giống rau, hoa, cây trang trí hàng đầu của cả nước và khu vực.
Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2030 có 3.000 ha canh tác thông minh, trên 200 cơ sở sản xuất nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách xã hội hóa, khuyến khích, hút các doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực hợp pháp đầu tư vào khoa học công nghệ trong nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức trung gian, đánh giá chuyển giao công nghệ, sàn giao dịch công nghệ; nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tiên tiến; khuyến khích các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài có cam kết chuyển giao công nghệ hoặc thành lập các cơ sở nghiên cứu và phát triển trên địa bàn tỉnh.
Tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tổ chức trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Hàng năm đầu tư tối thiểu 2% kinh phí phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề tồn tại trong thực tiễn sản xuất, đặc biệt là các nghiên cứu về chu trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, xử lý môi trường tự rác thải hữu cơ trong nông nghiệp, quy trình xử lý sau thu hoạch, phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn: Đẩy nhanh ứng dụng chuyển đổi số vào nông nghiệp, nông thôn; đồng bộ, toàn diện trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thông minh; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản nông sản; kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; ưu tiên phát triển trên các nhóm cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, bò sữa....
Đến năm 2030, địa phương này có 3.000 ha canh tác thông minh và 60% đàn vật nuôi được chăn nuôi theo quy trình tự động hóa; có 50% diện tích cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng; trên 200 cơ sở sản xuất nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc khi đưa sản phẩm ra thị trường; toàn bộ 100% các sản phẩm sử dụng thương hiệu Đà Lạt Kết tinh Kỳ diệu từ đất lành được số hóa toàn bộ quá trình quản lý sản xuất và giám sát chất lượng sản phẩm.
Phát triển hệ thống thương mại điện tử trong nông nghiệp đảm bảo kết nối trực tiếp giữa người tiêu dùng và người sản xuất, giảm thiếu tối đa các khâu trung gian, rút ngắn thời gian bảo quản và vận chuyển hàng hóa, minh bạch hóa các tiêu chuẩn cạnh tranh của hàng hóa nông sản đem lại lợi ích cho cả người sản xuất và tiêu dùng. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tham gia các sàn thương mại điện tử, ứng dụng mua bán online, đầu tư xây dựng các Wedsite giới thiệu sản phẩm, đặt hàng trực tuyến của riêng doanh nghiệp, hợp tác xã để nâng cao thương hiệu và khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ.
Xây dựng hệ thống số hóa cơ sở dữ liệu về nông nghiệp và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư, kinh tế, hạ tầng sản xuất, công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn... của tỉnh và quốc gia làm cơ sở cho phân tích, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư cho chuyển đổi nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác. Kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước và hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân hình thành nền nông nghiệp số phát triển đồng bộ tương ứng với nền kinh tế số chung của toàn tỉnh.
Bích Hòa
Bình luận