Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 25/07/2025 10:07
Thứ ba, 22/07/2025 09:07
TMO - Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, việc đẩy mạnh bán hàng trực tuyến sẽ giúp thay đổi tư duy sản xuất, tiêu thụ nông sản, từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng giá trị.
Từ 1/7, cả nước có hơn 3.300 xã phường sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp và Môi trường để tận dụng kênh thương mại điện tử đang phát triển, cơ quan quản lý và nền tảng bán hàng có thể hợp tác để hỗ trợ từng xã tiếp cận thị trường này.
Từ năm 2023, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp đã hợp tác với nền tảng thương mại điện tử để đưa các sản phẩm nông sản bán trực tuyến và tạo được hiệu ứng lan tỏa, thu hút sự chú ý và tăng mức độ nhận diện cho nông sản Việt. Kênh bán hàng trực tuyến thuận tiện trong việc kể câu chuyện sản phẩm và truy xuất nguồn gốc, nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa nền tảng thương mại điện tử và các cơ quan quản lý nhà nước.
Những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã sớm xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá để quảng bá và tiêu thụ nông sản. Theo Sở Công Thương Thái Nguyên, toàn tỉnh hiện có hàng trăm sản phẩm OCOP, trong đó nhiều sản phẩm đạt 3-4 sao, đủ điều kiện để xây dựng thương hiệu và mở rộng tiêu thụ qua môi trường số.
Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trên cả nước có gian hàng nông sản chung trên Shopee - sàn thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á. Sàn thương mại là nơi quy tụ hàng trăm sản phẩm hàng hóa nông sản tinh hoa, đặc sắc của bà con ở các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó có nhiều sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao.
Tỉnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các nền tảng thương mại trực tuyến.
Tận dụng lợi thế của livestream, mạng xã hội và thương mại điện tử đã giúp sản phẩm của Thái Nguyên, đặc biệt là sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc, kết nối trực tiếp với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Trong đó, những phiên Megalive không đơn thuần là hoạt động thương mại, mà còn góp phần lan tỏa câu chuyện văn hóa, niềm tự hào về danh trà Thái Nguyên, khi các livestream bán hàng được lồng ghép khéo léo hình ảnh làng chè, truyền thống canh tác và bản sắc vùng miền. Việc lồng ghép câu chuyện văn hóa vào hoạt động thương mại đã góp phần gia tăng giá trị cảm xúc, nâng cao hình ảnh sản phẩm nông sản Thái Nguyên trên thị trường.
Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên kỳ vọng, từ các chương trình này, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân sẽ từng bước tiếp cận, làm chủ kỹ năng xây dựng thương hiệu số, kỹ năng bán hàng trực tuyến và marketing số, qua đó thích ứng tốt hơn với yêu cầu phát triển bền vững trong nền kinh tế mới.
Thời gian tới, Sở Công Thương và Trung tâm Xúc tiến Thương mại tỉnh chủ động làm việc với các sàn thương mại điện tử lớn để mở gian hàng địa phương, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu trên nền tảng số, lồng ghép đào tạo kỹ năng vận hành gian hàng trực tuyến cho HTX và hộ nông dân.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu chuỗi đầu tư vào nông sản địa phương, ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài, đồng thời xây dựng hệ sinh thái logistics, đóng gói, vận chuyển phù hợp với yêu cầu thị trường thương mại điện tử. Một số mô hình liên kết ba bên (nông dân, doanh nghiệp, nền tảng thương mại điện tử) đã bước đầu phát huy hiệu quả.
Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm theo hướng số hóa toàn diện: từ việc gắn mã truy xuất nguồn gốc, thiết kế logo bao bì nhận diện đến sản xuất nội dung tiếp thị số. Các sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm đặc sản vùng miền sẽ được hỗ trợ xây dựng “bộ nhận diện số” bài bản, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Thái Nguyên tiếp tục đầu tư mạnh cho hạ tầng số ở nông thôn: mở rộng vùng phủ sóng internet tốc độ cao, xây dựng trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số cấp xã/huyện, phát triển hệ sinh thái đào tạo thương mại điện tử cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu số về sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương, giúp nhà bán hàng dễ dàng tra cứu, kết nối và giới thiệu sản phẩm.
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ thiết thực như ưu đãi thuế, tín dụng số, trợ giá vận chuyển, hỗ trợ kinh phí quảng bá online cho các sản phẩm địa phương. Đặc biệt, cần hình thành Quỹ Xúc tiến thương mại số cấp tỉnh để triển khai các chiến dịch dài hơi, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.../.
Minh Hương
Bình luận