Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ năm, 25/04/2024 15:04
TMO - Nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, tỉnh Hải Dương xác định ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất là hướng đi tất yếu để phát triển ngành nông nghiệp bền vững.
Năm 2023 giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương tăng 4,45% so với năm 2022. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 196 triệu đồng/ha, vượt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, Hải Dương cũng có thế mạnh sản xuất cây rau màu. Tổng diện tích rau màu của Hải Dương đạt trên 41.000 ha, tổng sản lượng gần 900.000 tấn…
Hiện nay, tỉnh Hải Dương có khoảng 50 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; trên 2.200 ha mô ruộng đất tích tụ với quy mô từ 5 ha trở lên sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao... Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp trong năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh Hải Dương đã tập trung, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất nông nghiệp.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp Hải Dương rất cụ thể và không còn xa lạ với người dân Hải Dương. Người dân hiện nay đã đẩy mạnh ứng dụng điện thoại thông minh để điều khiển bón phân, tưới nước tự động từ xa qua một hệ thống camera giám sát cùng các thiết bị cảm biến tự động. Nhiều diện tích chăn nuôi thủy sản đã đưa vào sử dụng hệ thống quan trắc, tự động cho vật nuôi ăn, điều chỉnh tự động kết nối thông báo tới điện thoại thông minh.
Tiêu biểu tại HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản trên địa bàn xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, HTX đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, hệ thống tưới tiêu hiện đại cho 60ha thanh long. Ngoài ra hệ thống tưới tự động cũng được HTX sử dụng cho các loại cây trồng khác như: hành tỏi, rau màu...
Để tăng hiệu quả và sản lượng, trên mặt luống, HTX sử dụng hệ thống màng phủ, vừa giúp ngăn cỏ dại, vừa đảm bảo duy trì độ ẩm cho cây trồng. Nhờ áp dụng khoa học, công nghệ, năng suất, chất lượng cây trồng tăng lên, thu nhập của người dân ngày càng nâng cao. Năm vừa qua, HTX tiếp tục đầu tư trên 9.000 m2 nhà màng, nhà lưới để trồng nho, kết hợp mô hình du lịch nông nghiệp.
Canh tác trong nhà màng giúp người dân giảm sức lao động, tăng năng suất, sản lượng (Ảnh minh hoạ).
Bên cạnh đó nhiều hộ gia đình cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Tại hộ gia đình anh Phùng Danh Viên, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, có hơn 1 mẫu nhà màng nhà lưới, mỗi năm trồng 4 vụ dưa lưới theo mô hình VietGAP hoặc GlobalGap. Dưa lưới của gia đình anh hiện đã có mặt ở nhiều siêu thị lớn trong cả nước.
Anh Viên cho biết, mặc dù chi phí đầu tư nhà màng nhà lưới khá lớn nhưng chỉ mất 3 năm là thu hồi đủ số vốn bỏ ra. Nhà màng, nhà lưới giúp người nông dân không phụ thuộc vào thời tiết, quản lý được sâu bệnh dễ hơn ngoài trời. Trong khi đó nếu làm nông nghiệp truyền thống phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, thị trường. Từ ngày làm nhà lưới giá thành ổn định hơn. Về dưa lưới, chăm tốt thì quả dưa đặc. Trung bình 1 gốc chính vụ đạt 1,4 -1,7kg/1quả. 1 mẫu 7.500 gốc. Một hecta nhà lưới nhà màng nếu giá cả ổn định sẽ cho lãi ròng từ 1,2 -1,5 tỷ đồng/năm.
Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ là hướng đi được tỉnh Hải Dương chú trọng và đẩy mạnh. Tại các huyện của Hải Dương đã hình thành nhiều mô hình tích tụ ruộng đất tập trung, ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế. Công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị máy bay không người lái được áp dụng tại nhiều vùng sản xuất; duy trì hoạt động của trạm khí tượng thông minh Imetos tại 2 huyện Thanh Hà và Thanh Miện để dự báo thời tiết vùng, cảnh báo sâu bệnh hại trên cây trồng.
Ứng dụng công nghệ, tăng cường chuyển đổi số đã giúp nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hải Dương đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng, được tiêu thụ tốt. Hiện đã có gần 128.600 hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử đang hoạt động, xếp thứ 19/63 tỉnh/thành phố; khoảng 1.080 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn; số giao dịch trên sàn thương mại điện tử là gần 36.000 giao dịch, xếp thứ 7/63 tỉnh/thành phố.
Để khuyến khích người dân, đơn vị, tổ chức ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Hải Dương đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách, đề án hỗ trợ. Như triển khai Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030”, Hải Dương đã hỗ trợ người dân xây dựng được 2,15 ha nhà màng, thuê trên 140 ha đất để sản xuất quy mô lớn, hỗ trợ diện tích lúa cấy máy, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Tỉnh cũng hỗ trợ mở rộng 212 ha cây vụ đông, cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP được 476,8 ha rau, trái cây, 36 cơ sở chăn nuôi VietGAHP; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ nông sản... Tổng kinh phí hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gần 29 tỷ đồng…Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh đã, đang mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương.
Thanh Nga
Bình luận