Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 19:01
Chủ nhật, 12/11/2023 06:11
TMO - Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phòng và chống thiên tai là một trong những hướng đi được quan tâm nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Trước diễn biến bất thường của thiên tai, ứng dụng KHCN và chuyển đổi số trong hoạt động phòng chống thiên tai được giới chuyên gia đánh giá sẽ góp phần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, tránh bị động trong tình huống có thiên tai xảy ra. Cụ thể, trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhấn mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ theo dõi giám sát thiên tai, quản lý vận hành công trình phòng chống thiên tai.
Nhiều tiến bộ KHCN đã được ứng dụng vào hoạt động để chuyển đổi số công tác dự báo, cảnh báo thiên tai như mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn tự động (máy đo gió, máy đo khí áp, máy đo độ ẩm,...); thành lập các trung tâm thu nhận, xử lý, tính toán và ra bản tin cảnh báo mưa lớn có khả năng gây lũ quét; xây dựng bản đồ số hóa hệ thống công trình đê điều, hồ đập, bản đồ ngập lụt do nước dâng cho khu vực ven biển khi có tình huống bão mạnh và siêu bão đổ bộ;...
Thông tin từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại rất nghiêm trọng, đây là hiện tượng xảy ra rất nhanh, bất ngờ, quy mô thường cục bộ. Nguyên nhân do địa hình chia cắt, kiến tạo của địa chất cộng với mặt đệm bị hủy hoại. Những năm gần đây các hoạt động của con người ở vùng núi, trung du làm mất cân bằng của địa chất, khi có mưa kích hoạt dễ dàng gây ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất ở Việt Nam.
Trước thực tế này, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tập trung phát triển nền tảng công nghệ số với hệ thống đo mưa, radar, quan trắc lượng mưa tự động, ước lượng được diện rộng của lượng mưa. Đồng thời với các bản đồ đã xây dựng từ trước để phân vùng lũ quét, sạt lở đất, kết hợp với các nghiên cứu các ngưỡng, khả năng xảy ra hiện tượng này để cảnh báo sớm vùng có nguy cơ diễn ra.
Hệ thống quan trắc của Việt Nam những năm trước đây chủ yếu là đo nhiệt độ. Gần đây nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngành khí tượng thủy văn đã đầu tư rất nhiều cho hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn trong đó có đo mưa. Đến nay, ngành KTTV đã được số liệu đo mưa của hơn 2.000 trạm.
Ðể hạn chế thiệt hại, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, thời gian qua các cơ quan chức năng đã và đang ứng dụng khoa học-công nghệ vào lĩnh vực này. Trong đó có việc sử dụng flycam thu thập cơ sở dữ liệu, xây dựng bản đồ hệ thống đê, theo dõi các vùng hành lang bảo vệ đê, bãi, lòng sông; các vị trí sạt lở bờ sông, mái đê; các trọng điểm xung yếu đê, sự cố đê do lũ, bão.
Hệ thống cơ sở dữ liệu WebGIS về đê điều ở 21 địa phương có đê từ cấp ba trở lên, cung cấp thông tin về các tuyến đê, công trình kè, cống, kho bãi vật tư, nhất là các trọng điểm xung yếu. Phần mềm theo dõi mực nước theo thời gian thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tuyến đê, các trạm khí tượng, mực nước. Sử dụng công nghệ radar đất, đa cực phát hiện ẩn họa, khe nứt và vùng thấm trong thân đê; lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với các tỷ lệ ngày càng chi tiết…
Các địa phương trên cả nước đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghê nhằm nâng cao hiệu quả, chủ động ứng phó vớ thiên tai.
Cùng với các địa phương trên cả nước, tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghê nhằm nâng cao hiệu quả, chủ động ứng phó vớ thiên tai. Hiện nay, 11 hồ thủy điện thuộc quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã và các hồ thủy lợi lớn đã được lắp đặt hệ thống camera giám sát theo dõi mực nước, hiện trạng công trình và truyền hình ảnh thực tế theo thời gian thực về Văn phòng thường trực chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong mùa mưa lũ.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã xây dựng "Bộ công cụ tính toán hỗ trợ tham mưu chỉ đạo, điều hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã", với phần mềm số hóa các dữ liệu đầu vào, tính toán các kịch bản và đưa ra phương án vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã đúng quy trình đã được phê duyệt. Địa phương này cũng đã lắp đặt 193 trạm đo mưa tự động, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi. Các trạm đo mưa này tự động báo số liệu mưa, thời gian mưa và cập nhật số liệu lên trang web của Tổng cục Khí tượng thủy văn.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các huyện miền núi.. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã đưa vào sử dụng cổng thông tin điện tử, đăng tải kịp thời các thông tin về thời tiết, thiên tai, công tác chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, số hóa cơ sở dữ liệu về phòng chống thiên tai để các ngành, các cấp và người dân khai thác, sử dụng.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng trang Facebook, Zalo "phòng chống thiên tai", kết nối với Cổng thông tin điện tử về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thường xuyên theo dõi, cập nhật, chia sẻ các thông tin về thời tiết, tình huống thiên tai xảy ra để cấp ủy, chính quyền kịp thời đưa ra phương án chỉ đạo, ứng phó sát với thực tế, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Lê Minh
Bình luận