Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Chủ nhật, 07/04/2024 08:04
TMO - Thời gian qua, các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ góp phần nâng giá trị sản phẩm chủ lực, nâng hạng sao cho sản phẩm OCOP của các địa phương, bảo hộ nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu chính ngạch.
Thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, năm 2023 hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các địa phương đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều địa phương quan tâm tăng kinh phí, nhân lực cho khoa học, công nghệ, trong đó gần 40 tỉnh thành bố trí kính phí cao hơn mức thông báo của trung ương. Nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học và công nghệ phát triển hơn, có thêm nhiều tập đoàn kinh tế lớn trích lập quỹ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ với số kinh phí huy động được hơn 3000 tỷ đồng.
Năm 2023 chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế tăng, đạt 44,8% (năm 2022 đạt 43,8%); Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng lên 47,45%. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam năm 2023 tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế...kết quả này có được một phần nhờ sự đóng góp của khoa học và công nghệ trong các ngành, lĩnh vực.
Vụ Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cho biết, năm 2023 có khoảng gần 300 nhiệm vụ cấp quốc gia được triển khai thực hiện. Các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng giúp từng bước làm chủ được công nghệ chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh và chống chịu với điều kiện bất thuận được ứng dụng vào sản xuất. Bắc Giang vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước năm 2023 với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 13,45%.
Quảng Ninh, Hải Phòng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, GRDP tăng lần lượt là 11,03% và 10,34%, đứng thứ 3 và thứ 5 cả nước. Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam đều nằm trong top 10 địa phương có tăng trưởng GRDP 2023 cao nhất cả nước. Nhiều địa phương tiếp tục khẳng định thế mạnh trong xuất khẩu nông, thủy sản như: Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của cả vùng.
Khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp (Ảnh minh họa).
Trong lĩnh vực nông nghiêp, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng và đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp. Các chương trình sản phẩm quốc gia, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen... được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã giúp cải thiện cơ cấu giống và tăng năng suất cây trồng vật nuôi; thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp cải thiện năng suất lao động; thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong nông nghiệp; từng bước hoàn thiện hệ thống canh tác bền vững; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp; góp phần quan trọng trong tăng trưởng ngành, thúc đẩy tái cơ cấu và xuất khẩu.
Ngoài ra, khoa học và công nghệ đã góp phần trong việc phục tráng, nghiên cứu, bảo tồn và phát triển thành công nhiều sản phẩm đặc thù, đặc hữu địa phương, đồng thời tạo cơ hội trong việc khẳng định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm OCOP qua việc đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu... cho nhiều sản phẩm của địa phương.
Trước sức bật của kinh tế-xã hội nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong phát triển sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương. Bộ KH&CN cũng lưu ý tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; kết nối cung - cầu công nghệ và triển khai Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII)... đóng góp hiệu quả hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Các đơn vị trực thuộc Bộ cần hoàn thiện ngay thông tư quy định việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Đồng thời, đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, trong quý II góp phần nâng cao công tác kiểm soát nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa.
Thu Hương
Bình luận