Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 15:01
Thứ ba, 07/02/2023 08:02
TMO - UBND tỉnh Kon Tum cho biết, việc khai thác sử dụng nguồn tài nguyên nước thiếu hợp lý đã khiến nguồn nước phục vụ sản xuất, tưới tiêu và sinh hoạt tại tỉnh Kon Tum suy giảm nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.
Các giải pháp được triển khai nhằm đảm bảo lưu lượng, trữ lượng, nâng cao chất lượng nguồn nước phục vụ dân sinh và nhu cầu sản xuất, kinh doanh; có cơ chế để người dân được tiếp cận, sử dụng nguồn nước công bằng, hợp lý. Chủ động tích trữ, điều hòa, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước, gắn với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, ứng phó hiệu quả với các tình huống thảm họa, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.
Theo đó, tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2025 khoảng 95% hộ gia đình ở thành thị và 60% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất; cơ bản sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng chống lũ theo thiết kế.
Đến năm 2030: Phấn đấu 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ; bước đầu khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại một số lưu vực sông, suối, hệ thống công trình thủy lợi; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, đến năm 2045 địa phương này phấn đấu bảo đảm hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; chủ động được nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tếxã hội; dự báo, cảnh báo dài hạn để xử lý ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông, suối, hệ thống công trình thủy lợi.
UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị triển khai giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước
Thời gian tới, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương hoàn thiện chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước với việc chủ động rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách theo thẩm quyền nhằm kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội hóa, kết hợp với các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch đầu tư công để đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước đa mục tiêu; hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, bảo đảm năng lực cấp nước, tiêu thoát nước, kết hợp phục hồi nguồn nước suy thoái, ô nhiễm và phòng, chống các thảm họa, thiên tai liên quan đến nguồn nước.
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước thông qua nhiệm vụ tiến hành cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ các công trình thủy lợi để phục công tác quản lý. Tổ chức rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi theo thẩm quyền, bảo đảm hài hòa giữa khai thác với bảo vệ tài nguyên, môi trường, phòng, chống thiên tai và phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.
Tăng cường công tác điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn nước, giải quyết nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất tại các khu vực khó khăn về nguồn nước. Nghiên cứu xây dựng kịch bản phòng, chống tác động cực đoan do hạn hán, thiếu nước, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, bảo vệ môi trường nước trên địa bàn.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội: Triển khai các biện pháp bảo vệ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước, duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông và ngưỡng khai thác nước ngầm; điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước trên lưu vực các sông; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước; theo dõi, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất để giảm thất thoát, lãng phí.
Từng bước đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên vùng; đầu tư khép kín, hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi, bảo đảm chủ động trữ nước điều hòa, phân phối nguồn nước liên xã, liên huyện. Xây dựng, hoàn thiện công trình cấp, thoát nước sinh hoạt nông thôn, đô thị; thực hiện giải pháp tích trữ nước quy mô nhỏ, hộ gia đình phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước thông qua kiểm tra, hù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của hệ thống, đáp ứng yêu cầu về trữ lượng, chất lượng nước phục vụ sản xuất, dân sinh và các ngành kinh tế. Rà soát, lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn và bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục. Nghiên cứu đầu tư xây dựng mới các đập, hồ chứa nước, công trình điều tiết nguồn nước tại các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, lũ, ngập lụt để tích trữ nước, chuyển nước, cắt giảm lũ đảm bảo phù hợp theo quy hoạch.
Kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi ảnh hưởng đến lòng sông, hồ chứa nước là một trong những nhiệm vụ được nhấn mạnh triển khai. Ảnh: BKT
Quản lý chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi ảnh hưởng đến lòng sông, hồ chứa nước; thường xuyên nạo vét, bồi lắng lòng hồ, bảo đảm dung tích phòng lũ của hồ chứa theo thiết kế. Tập trung nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, nguy cơ mất an ninh nguồn nước theo thời gian thực. Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo, cơ sở thông tin dữ liệu liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, kết nối với hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn để phục vụ quản lý, vận hành đập, hồ chứa nước đảm bảo đồng bộ, an toàn. âng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; chú trọng công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai gây ra theo phương châm "bốn tại chỗ".
Nghiên cứu, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các dự án di dân khẩn cấp phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông và phát huy hiệu quả sử dụng sau khi hoàn thành công trình. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ quản lý nguồn nước, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; đẩy mạnh chuyển đổi số để quản lý, điều tiết nguồn nước, ứng phó với thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, chất thải xả vào nguồn nước nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.
Thực hiện phân vùng môi trường, gắn với định hướng các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp. Quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản, chú trọng công tác hoàn nguyên môi trường sau khai thác. Khuyến khích sử dụng các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường; xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước. Tăng cường quản lý việc khai thác nước ngầm; đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng.
Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm về an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước với các nước, các đối tác, tổ chức quốc tế trong khuôn khổ hợp tác Ủy hội Sông Mê Công; thực hiện hiệu quả các cam kết, điều ước quốc tế liên quan đến an ninh nguồn nước, quản trị và chia sẻ nguồn nước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả, bền vững nguồn nước xuyên biên giới với nước bạn Lào, Campuchia.
Thùy Minh
Bình luận