Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 17:11
Thứ ba, 26/12/2023 13:12
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại vùng biển Sóc Trăng đã khoanh định được 6 vùng phân bố cát có khả năng làm vật liệu xây dựng khoảng 13,9 tỷ m3, nhưng chưa được đánh giá, thăm dò, khai thác sử dụng.
Trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Dự án “Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long” tại Quyết định số 3694/QĐ-BTNMT, ngày 26/12/2022 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 555/QĐ-BTNMT, ngày 14/3/2023. Dự án do Cục Địa chất Việt Nam chủ trì thực hiện với mục tiêu là đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu xây dựng thông thường, đáp ứng kịp thời về nguồn vật liệu san lấp và cát xây dựng cho các dự án đường cao tốc, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, cảng biển, khu vực cụm công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án có tổng kinh phí 116,5 tỷ đồng; phạm vi thực hiện dự án là vùng biển tỉnh Sóc Trăng, gồm khu B1 (250km2) và khu B2-B4 (1.250km2), triển khai thực hiện từ năm 2023-2024; trong đó năm 2023 đã hoàn thành đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực khu B1 và triển khai một số công tác đánh giá khoáng sản tại khu vực B2-B4.
Theo Cục Địa chất Việt Nam (Bộ TN&MT), thực hiện Dự án đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông Vùng ĐBSCL, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị cũng đã tập trung thi công thực địa, đồng thời, đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực B1 và triển khai một số công tác đánh giá khoáng sản tại khu vực B2 - B4. Tính đến đầu tháng 11/2023, việc triển khai thực hiện Dự án đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực B1 tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành và đã được Bộ TN&MT thẩm định.
Trong bối cảnh khan hiếm cát sông tại vùng ĐBSCL, việc sử dụng cát biển thay thế trong các công trình xây dựng là khả thi (Ảnh minh họa: VH).
Về kết quả đánh giá tài nguyên khoảng sản cát biển tại khu vực B1 đã khoanh định được 1 thân khoáng cát biển có diện tích 160,3 km2 phân bố nằm ngay trên bề mặt đáy biển; cấu tạo thân khoáng là các thành tạo cát hạt mịn, bở rời, lẫn ít bột; tính đồng nhất về thành phần, độ hạt khá cao; chiều dày thân cát từ 2,0 - 7,3m, trung bình 4,3 m; hàm lượng tổng cát từ 70,7 - 96,5%, trung bình 82,8%; hệ số biến thiên chiều dày 28% và hàm lượng 10%, thuộc loại rất ổn định; cát biển tại khu vực B1 đáp ứng yêu cầu làm vật liệu san lấp hạ tầng đô thị theo TCVN 5747:1993; đáp ứng được các chỉ tiêu cơ bản làm vật liệu san lấp nền đường ô tô theo TCVN 9436:2012.
Bên cạnh đó, Cục Địa chất Việt Nam cũng đã đánh giá được tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu san lấp cấp 333 + cấp 222 đạt 680 triệu m3, trong đó cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3. Đối sánh với đặc điểm cát biển tại vùng biển tỉnh Trà Vinh và vùng biển tỉnh Sóc Trăng do Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) khai thác và thí điểm sử dụng trong xây dựng đường cao tốc với cát biển khu vực B1 cho thấy, các chỉ tiêu cơ lý khá tương đồng nhau, riêng hàm lượng bụi, bùn, sét của cát biển khu vực B1 cao hơn là do lấy mẫu nguyên khai trong lỗ khoan, còn các mẫu thử nghiệm của Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận lấy trên sà lan đã sơ bộ được tuyển rửa, nâng cao chất lượng trong quá trình khai thác cát biển…
Theo đó, diện tích B1 đủ điều kiện chuyển giao cho đơn vị khai thác theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đơn vị khai thác phải sử dụng công nghệ khai thác hợp lý, bảo đảm giảm thiểu thiệt hại đối với môi trường và nuôi trồng thủy sản trong khu vực. Quá trình khai thác cần thực hiện công tác quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường khu vực biển Sóc Trăng và các tỉnh lân cận, đăng ký công suất khai thác, chỉ khai thác đến độ sâu 3m, nếu xảy ra tác động môi trường phải ngừng việc khai thác. Lưu ý, cát khai thác chỉ được sử dụng phục vụ công trình đã đăng ký và chỉ khai thác đủ trữ lượng sử dụng…
Việc thí điểm dùng cát biển thay cát sông làm vật liệu san lấp thi công cao tốc đã cho kết quả bước đầu rất khả quan. Nếu được hội đồng thẩm định chấp thuận cho sử dụng sẽ cần nghiên cứu mở rộng quy mô sử dụng cát biển thi công đắp nền đường ở phạm vi lớn hơn. Trong năm 2023, nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cát sông phục vụ cho các dự án cao tốc Bắc Nam, đồng thời nghiên cứu thí điểm dùng cát biển thay thế cát sông, từ cuối năm ngoái Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các đơn vị liên quan thử nghiệm dùng cát biển đắp đường.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận đã tiến hành thực hiện thí điểm sử dụng cát biển cho dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát biển với khối lượng trên 1 triệu m3 để triển khai thí điểm. Dự án được nghiên cứu thí điểm là một đoạn đường hoàn trả dài khoảng 300 m của tỉnh lộ 978 tại lý trình Km 79+820 dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, thuộc địa phận huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Đoạn này được đánh giá đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về vị trí thí điểm là vị trí nhạy cảm về môi trường, có thể bảo đảm thông xe sau khi thi công.
Theo kết quả đánh giá ban đầu tại khu vực thí điểm, việc sử dụng cát biển đắp nền đường không có tác động lớn về chất lượng môi trường xung quanh.
Sau thời gian thử nghiệm thí điểm và tiến hành quan trắc kể từ cuối tháng 3/2023, đến nay kết quả bước đầu cho thấy các chỉ tiêu cơ lý của mẫu cát biển cơ bản đáp ứng yêu cầu về vật liệu đắp nền đường theo quy định khi có các chỉ tiêu cơ lý tương tự nhau. Viện Khoa học và công nghệ Giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, mẫu cát biển được phân tích đánh giá chất lượng trầm tích khoáng sản thông qua phân tích 19 chỉ tiêu hóa học và so sánh với các giá trị giới hạn các thông số chất lượng trầm tích nước ngọt, nước mặn và nước lợ cho thấy, các chỉ tiêu đã được phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép.
Cát san lấp đang là vấn đề nóng của các dự án cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo ước tính, nhu cầu cát đắp nền các dự án này ước khoảng hơn 36 - 37 triệu m3 trong giai đoạn 2021 – 2025 cho 4 dự án cao tốc, gồm Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh. Nếu tính tổng nhu cầu cát san lấp của cả 4 dự án cao tốc nói trên là xấp xỉ 54 triệu m3.
Nguồn cát sử dụng cho các dự án ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tập trung chủ yếu ở Đồng Tháp và An Giang; tuy nhiên tổng trữ lượng của hai tỉnh này chỉ cung cấp đạt khoảng 10 - 14 triệu/năm, đáp ứng được 50% nhu cầu. Trong khi đó, tổng nhu cầu cát cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng lên tới khoảng 40 triệu m3 phân bổ chủ yếu trong các năm 2023, 2024 và một phần vào năm 2025. Trong bối cảnh khan hiếm cát sông, việc sử dụng cát biển thay thế trong các công trình xây dựng là hoàn toàn khả thi. Tới đây, trên cơ sở tài liệu điều tra Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng sẽ có quy hoạch, sắp xếp lại từng vùng cát biển, xây dựng phương án quy hoạch khai thác cát không chỉ trong 6 hay 12 hải lý mà còn là cát ngoài khơi, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trong tương lai.
Thu Thảo
Bình luận