Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 12:11
Thứ hai, 10/07/2023 13:07
TMO - Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, để thúc đẩy kinh tế - xã hội TP.HCM phát triển mạnh mẽ, trong giai đoạn 2023-2025, thành phố sẽ mở ra nhiều tuyến vận tải hành khách đường thủy kết hợp với các sản phẩm du lịch.
Sở GTVT TP.HCM, cho biết TP.HCM có mạng lưới giao thông đường thủy có khả năng khai thác gồm 101 tuyến, với tổng chiều dài là 913km. Đặc biệt lợi thế với 4 tuyến đường sông chính tạo thành mạng lưới đường thủy liên kết với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Đến nay, hoạt động vận tải hành khách, du lịch đường thủy ở TP.HCM đã khai thác tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông), tuyến du lịch từ Bạch Đằng - bến Đình (huyện Củ Chi) - tỉnh Bình Dương, 2 bến phà, 25 bến khách ngang sông... Các tàu khách quốc tế có thể vào ngay trung tâm TP.HCM tại khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, bến Bạch Đằng mà không phải trung chuyển, tạo thuận tiện cho giao thông đường thủy.
Về cảng, bến thủy nội địa và các công trình phụ trợ trên bờ hiện đang hoạt động có 13 cảng thủy nội địa, 204 bến thủy nội địa. Trong đó, có 105 cảng, bến phục vụ vận tải hàng hóa, 74 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch và 25 bến khách ngang sông. Do mạng lưới có nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm, TP.HCM rất thuận lợi trong việc vận tải hành khách, kết hợp khách du lịch; trung tâm thành phố tập trung nhiều địa điểm tham quan du lịch bằng đường thủy kết nối đường bộ; có nhiều loại phương tiện thủy đang hoạt động; nhiều doanh nghiệp lữ hành mong muốn phát triển du lịch đường thủy.
TP.HCM mở thêm nhiều tuyến vận tải hành khách đường thủy kết hợp với các sản phẩm du lịch. Ảnh: GM.
Hiện nay, hoạt động vận tải hành khách, du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố đã hình thành 4 loại hình, gồm vận tải hành khách du lịch bằng tàu cao tốc theo tuyến cố định; du lịch theo hợp đồng chuyến; vận tải hành khách ngang sông và vận tải khách du lịch bằng đường biển.
Với những thuận lợi đó, sắp tới TP.HCM sẽ mở thêm ba tuyến vận tải hành khách đường thuỷ kết hợp du lịch đi Bình Dương, Côn Đảo và Tiền Giang trước năm 2025 cùng với hai tuyến chạy ở nội đô. Việc khai thác thêm các tuyến đường thuỷ này được cho góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại người dân, phát triển du lịch, chia bớt áp lực cho giao thông đường bộ.
Theo đó, hai tuyến ở nội đô dự kiến được đầu tư hoàn thành năm 2024, gồm: quận 1 đi quận 7 và Nhà Bè, dài khoảng 13 km. Tuyến dự kiến từ bến Bạch Đằng, theo sông Sài Gòn - kênh Tẻ - rạch Ông Lớn - rạch Đỉa đến bến Ngôi Sao Việt. Trên tuyến hiện các bến Ngôi Sao Việt (quận 7) và Cù Lao Xanh (Nhà Bè) đã được đầu tư xây dựng. Khi hoạt động, tuyến sẽ kết hợp tham quan các điểm du lịch, trung tâm thương mại, khu ẩm thực...Tuyến khác ở nội thành kết nối bến Bạch Đằng đi Thanh Đa, Bình Quới, dài 10 km. Tuyến này cũng có lợi thế khi có một số vị trí bến đã được xây dựng, đảm bảo an toàn, mỹ quan.
Ngoài hai tuyến trên, thành phố lên kế hoạch mở thêm ba tuyến liên tỉnh. Trong đó, tuyến đi Bình Dương, Củ Chi sẽ theo sông Sài Gòn chiều dài khoảng 79 km. Tuyến này kết nối từ bến Bạch Đằng đến TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), bến Đình, bến Dược (huyện Củ Chi, TP CM). Trên tuyến ngoài một số bến bãi đã được xây dựng, các bên liên quan sẽ đầu tư thêm hạ tầng đồng bộ, dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 2024-2025.
Tuyến giao thông thuỷ kết hợp du lịch từ TP.HCM đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) có chiều dài khoảng 225 km, theo sông Soài Rạp, vịnh Đồng Tranh và Biển Đông. Tuyến này dự kiến xuất phát từ cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (Nhà Bè) đến bến cảng tàu khách Côn Đảo tại Vịnh Côn Sơn, huyện Côn Đảo. Hiện, tuyến này đã có một doanh nghiệp đăng ký khai thác với tàu có sức chở khoảng 1.100 khách. Tuyến còn lại là phà biển Cần Giờ chạy qua huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, dài khoảng 12 km. Điểm đầu tuyến ở từ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ đi thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông và ngược lại. Tuyến này dự kiến đầu tư hoàn thành năm 2024.
Sở GTVT TP.HCM cho biết, vẫn còn không ít hạn chế khiến mô hình du lịch và vận tải đường thủy của thành phố gặp nhiều khó khăn. Đó là, hiện nay thành phố chưa có cơ chế về giao, cho thuê đất để đầu tư xây dựng bến thủy nội địa, các công trình phụ trợ liên quan phục vụ phát triển vận tải hành khách, kết hợp du lịch bằng đường thủy. Việc thực hiện triển khai cập nhật quy hoạch bến thủy nội địa của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện còn chậm tiến độ báo cáo theo chỉ đạo.
Ngành du lịch TP.HCM xác định, du lịch đường thủy là một trong những sản phẩm chủ lực để thu hút du khách.
Theo dự thảo Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2023-2025, ngành Du lịch TP.HCM hướng tới việc khai thác các tuyến du lịch đường thủy cả nội đô và đường biển theo hướng đến năm 2025 sẽ được khai thác tất cả tuyến sông Sài Gòn, liên kết Đông Nam Bộ, miền Tây. Đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu) liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy; khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông.
Ngành du lịch TP.HCM xác định, du lịch đường thủy là một trong những sản phẩm chủ lực để thu hút du khách, với đa dạng về loại hình từ chèo kajak, đi bus sông, du thuyền, tàu nhà hàng ẩm thực, giải trí về đêm trên sông Sài Gòn, cho đến các sản phẩm tham quan du lịch trên kênh nội đô như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Thời gian tới, Sở Du lịch ưu tiên cải thiện chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có như sản phẩm nội đô, sản phẩm liên kết TP.HCM với Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Chú trọng đầu tư, nâng chất các sản phẩm du lịch đường sông theo các nhóm: Sản phẩm du lịch tầm ngắn (tuyến nội đô có bán kính dưới 10 km), sản phẩm du lịch tầm trung (tuyến nội đô có bán kính dưới 10-60 km) và các sản phẩm du lịch tầm xa (chương trình liên kết TP.HCM với các tỉnh).
Xây dựng bộ thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch đường thủy và bản đồ các tuyến du lịch đường thủy, các điểm đến trên tuyến bằng công nghệ GIS. Nghiên cứu bến Bạch Đằng thành bến trung tâm, làm điểm xuất phát đi các tuyến du lịch đường thủy. đề xuất xã hội hóa đầu tư xây dựng các điểm dừng chân ven sông; tăng cường các dịch vụ du lịch trên sông, có chính sách hỗ trợ các nhà điều hành tour du lịch sông nước. Thành phố tiếp tục đầu tư du thuyền cao cấp, tàu nhà hàng tiêu chuẩn 4-5 sao và phát triển thêm loại hình tàu nghỉ qua đêm trải nghiệm trên sông Sài Gòn.
Thu Trang
Bình luận