Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ hai, 09/10/2023 07:10
TMO - Số liệu giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho thấy trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm công trình nước sạch hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động.
Thời gian qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã quan tâm và chú trọng đến lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được đầu tư từ nhiều nguồn vốn (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Dự án giảm nghèo, Chương trình 135, Dự án ổn định dân cư và phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân lòng hồ Hòa Bình, Childfund, Chương trình WB, Dự án ADB, ngân hàng chính sách). Xây dựng các công trình nước sạch tập trung nông thôn.
Vấn đề về đảm bảo cung cấp nguồn nước nước sạch nông thôn đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo. Việc đầu tư kinh phí xây dựng các công trình cấp nước tập trung đã được thực hiện lồng ghép bằng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa, bàn, việc duy tu bảo dưỡng công trình cũng đã được xây dựng theo kế hoạch hàng năm. Từ đó, đã nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, nước đạt quy chuẩn, góp phần giải quyết vấn đề khó khăn về nước sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân.
Nhiều công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh hoạt động kém hiệu quả cần được rà soát, triển khai giải pháp nâng cấp, khai thác hiệu quả. Ảnh: HL.
Theo rà soát của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có 359 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được xây dựng từ nhiều nguồn vốn với tổng mức đầu tư là 733,735 tỷ đồng. Trong đó công trình hoạt động bền vững 37 công trình; công trình hoạt động trung bình 62 công trình; công trình hoạt động kém hiệu quả 80 công trình; công trình không hoạt động 180 công trình. Huyện Lạc Sơn có 35 công trình (công trình hoạt động bền vững 04 công trình; công trình hoạt động trung bình 08 công trình; công trình hoạt động kém hiệu quả 14 công trình; công trình không hoạt động: 09 công trình).
Huyện Mai Châu có 50 công trình (công trình hoạt động bền vững 02 công trình; công trình hoạt động trung bình 26 công trình; công trình hoạt động kém hiệu quả 11 công trình; công trình không hoạt động 11 công trình). Thành phố Hòa Bình có 38 công trình (công trình hoạt động bền vững 01 công trình; công trình hoạt động trung bình 06 công trình; công trình hoạt động kém hiệu quả 06 công trình; công trình không hoạt động 25 công trình).
Hiện tại, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vận hành, khai thác công trình. Hiện tại Trung tâm được UBND tỉnh giao quản lý vận hành 14 công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh (đây là những công trình hoạt động bền vững). Các công trình do trung tâm quản lý hàng năm đều được xét nghiệm đảm bảo chất lượng nước theo quy định Thông tư 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; quản lý thu tiền sử dụng nước theo đơn giá đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 959/QĐ-UBND ngày 13/4/2018 về việc phê duyệt đơn giá cung cấp nước từ các công trình do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, vận hành.
Đối với các công trình do địa phương quản lý việc vận hành, khai thác các công trình cấp nước nông thôn tập trung được UBND các xã giao cho cộng đồng thôn, bản và tự hạch toán, kinh phí để chi trả cho tổ quản lý vận hành chủ yếu lấy từ tiền sử dụng nước của người dân. Các công trình cấp nước nông thôn tập trung hiện đang sử dụng, khai thác hoạt động hiệu quả còn chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu hoạt động ở mức trung bình, một số công trình hiện không còn hoạt động được do hư hỏng, xuống cấp.
Theo đánh giá của địa phương, hiện nay nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trên địa bàn liên quan đến việc cấp nước sạch nông thôn như hệ thống văn bản pháp quy về lĩnh vực nước sạch nông thôn vẫn đang được hoàn thiện, còn nhiều tồn tại, khó khăn trong quản lý, khai thác. Đáng chú ý, việc thu tiền sử dụng nước đối với người dân nông thôn gặp rất nhiều khó khăn. Các chủ thể được giao quản lý công trình chủ yếu thực hiện theo phương thức tự khai thác (cấp nước, thu tiền nước).
Trong khi đó, việc sửa chữa, bảo dưỡng công trình do đơn vị tự thực hiện; công nhân quản lý vận hành chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, nên chủ yếu áp dụng phương thức sửa chữa nhỏ mang tính tạm thời, mang tính chất trông giữ công trình, không có kinh phí sửa chữa nên xuống cấp, hư hỏng nhanh...
Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị UBND tỉnh rà soát lại toàn bộ các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn. Ảnh: LH.
Từ thực tế trên, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tham mưu tăng cường tuyên truyền đến chính quyền, người dân trong quản lý, vận hành, sử dụng hiệu quả các công trình. Đồng thời rà soát lại toàn bộ các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn, xác định đầu mối, chủ đầu tư, đánh giá lại thực trạng từng công trình để có biện pháp giải quyết phù hợp. Trong quản lý, vận hành quan tâm đến yếu tố con người. Thống nhất đơn giá trên địa bàn tỉnh...Đối với những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, đoàn khảo sát tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết trong thời gian tới.
Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sạch là 95%. Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực của trung ương và địa phương, sự tham gia đóng góp của nhân dân để nâng cấp sửa chữa lại các công trình bị hư hỏng, mở rộng cấp nước cho các công trình đang hoạt động tốt để người dân nông thôn được sử dụng nước sạch.
Mở các lớp tập huấn về quản lý, vận hành, bảo dưỡng các công trình nước tập trung. Từ đó sẽ rút kinh nghiệm quản lý, vận hành sau đầu tư cho các cán bộ quản lý công trình nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả các công trình nước sạch nông thôn nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát phiển kinh tế và ổn định an sinh xã hội đối với vùng nông thôn, nhất là các xã vùng cao, vùng sâu trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với việc bảo vệ nguồn nước, hệ thống công trình cấp nước cũng như việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại, áp dụng công nghệ mới, quản lý vận hành thông minh, đảm bảo bền vững.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về tình hình quản lý các công trình cấp nước tập trung nông thôn tại các địa phương; đôn đốc công tác sửa chữa, nâng cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của công trình; ưu tiên nguồn lực thực hiện nhiệm vụ nước sạch nông thôn từ các chương trình, dự án về nước sạch nông thôn, sử dụng lồng ghép có hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp và nguồn tự có trong nhân dân…
Thùy Lê
Bình luận